13 Th3 Bài toán tài chính với người trẻ khi mua nhà ở Sài Gòn ?
Người trẻ mua nhà vẫn là câu chuyện được nhắc nhiều trước bối cảnh giá nhà đất tăng cao, tài chính eo hẹp. Cân đối tài chính để sở hữu nhà hay chọn hình thức thuê vẫn là nỗi băn khoăn của rất nhiều người trẻ hiện nay.
Giấc mơ an cư xa vời?
Thực tế cho thấy, giá nhà đất tại Tp.HCM tăng cao, trong khi nguồn tài chính tích lũy của người trẻ không nhiều là lý do chính khiến việc mua nhà của họ bị gián đoạn, chấp nhận ở thuê dài hạn.
Theo ghi nhận, nhiều người trẻ có thu nhập từ 20-25 triệu đồng/tháng trong độ tuổi từ 25-30 tuổi, việc sở hữu nhà là giấc mơ thường trực của họ. Nhiều người tìm kiếm đất nền khu ven TP nhưng giá cao đã chuyển sang tìm kiếm căn hộ cùng khu vực nhưng giá cũng không hề rẻ. Trong khi việc tiết kiệm tài chính không lại với mức độ tăng giá BĐS.
Anh Vũ Ngọc, 27 tuổi, ngụ trọ tại Q.2, Tp.HCM chia sẻ, ý định mua nhà đã hình thành cách đây 3 năm nhưng đến thời điểm hiện tại, tiền tiết kiệm của mình đã có khoảng cách khá xa với giá nhà. Theo anh Ngọc, dù có nhiều dự định cho tương lai, nhưng chưa thể sở hữu chốn an cư khiến anh còn băn khoăn, lo lắng.
Bài toán tài chính mua nhà cũng khiến chị Hạnh, ngụ Q.Thủ Đức “đau đầu”. Theo chị Hạnh, suốt 1 năm qua đi tìm dự án mới để mua trả góp nhưng vẫn chưa mua được, lý do cũng chỉ xoay quanh hai chữ “tài chính”. Bởi giá nhà hiện tại tăng cao, nếu vợ chồng chị chấp nhận mua thì phải vay ngân hàng khoản lớn, vượt sức chi trả. Vì thế, thời gian qua chứ “chần chừ” nên vẫn ở cảnh nhà thuê chật chội.
Đó chỉ là câu chuyện đại diện cho rất nhiều nỗi lòng của người trẻ muốn mua nhà tại Tp.HCM hiện nay. Thậm chí, có những cặp vợ chồng cầm trong tay 600-700 triệu đồng nhưng vẫn không tìm được nhà. Nếu tìm nhà gần chỗ làm thì giá cao, gánh nặng tiền đi vay. Còn nếu giá mềm hơn chút thì khoảng cách di chuyển đi làm, đưa đón con cái lại là câu chuyện họ cân nhắc. Theo chị Chu Thị Ngoan, 26 tuổi, nhân viên văn phòng tại Q.2, nếu với thu nhập như hiện nay thì không biết tiết kiệm đến khi nào mới đủ tiền mua nhà ở Sài Gòn. Còn nếu đi vay với số tiền nhiều thì mua nhà xong “nai lưng” trả nợ thì còn khốn khổ hơn.
Theo ghi nhận, trong 5 năm qua, giá nhà đất tại Tp.HCM tăng chóng mặt, chưa kể trải qua những đợt nóng sốt khiến giá đất tăng mạnh ở một số khu vực. Theo các chuyên gia trong ngành, phải nhìn nhận thực tế, cơ hội sở hữu nhà của người dân ở thực ngày càng xa vời, trong khi những dự án BĐS mới, có mức giá trên dưới 1.5 tỉ đồng/căn ngày càng khan hiếm. Đó là điều đáng lo ngại với thị trường BĐS nói chung.
Người trẻ nên lưu tâm điều gì khi mua nhà Sài Gòn?
Bên cạnh câu chuyện tài chính được giới trẻ quan tâm thì căn nhà hợp hướng, vị trí hay tiện ích cũng được họ đặt ra trước quyết định “xuống tiền”. Nỗi lo của rất nhiều người trẻ hiện nay là, với số tiền ít thì liệu họ có được sở hữu căn nhà chất lượng hay lại như người ta nói “tiền nào của đấy”. Tất cả những lý do trên hội tụ khiến việc tìm kiếm, sở hữu nhà của giới trẻ ngày càng khó khăn hơn. Rõ ràng, những yêu cầu họ đặt ra là chính đáng bởi đồng tiền đi liền khúc ruột nhưng thực tế trên thị trường có được bao nhiêu chủ đầu tư đảm bảo được các tiêu chí cho người có nhu cầu ở thực.
Với tài chính khiêm tốn thì người trẻ nên lưu ý những gì khi chọn nơi ở, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group đã bày tỏ quan điểm cá nhân của mình về vấn đề này.
Nên mua căn diện tích xoay quanh 65m2: Theo ông Phúc, người trẻ đi mua nhà thì vấn đề quan trọng nhất là tài chính nên không cần thiết mua căn hộ quá rộng vì căn hộ rộng sẽ ảnh hưởng đến lượng tài chính của mình. Do đó, diện tích hợp lý nhất là xoanh quanh 65m2, đủ cho hai vợ chồng, 1 đứa con, thậm chí 2 đứa con. Với diện tích này, giá trung bình tầm 1.5 tỉ đồng/căn, phù hợp với các gia đình trẻ có tổng thu nhập từ 30-40 triệu đồng/tháng. “Đạt được mức thu nhập này thì người trẻ mới nên nghĩ đến việc đi mua nhà”, ông Phúc nhấn mạnh.
Bỏ ra tối đa 50% tổng thu nhập để phục vụ cho việc mua nhà: Với thu nhập của đôi vợ chồng trẻ dao động từ 30-40 triệu đồng/tháng, ông Phúc khuyên nên bỏ ra tối đa 50% thu nhập phục vụ cho công tác mua nhà. Riêng với những người đi thuê họ bỏ ra 20-25%, thậm chí 30% thu nhập nhưng giữa giải pháp đi thuê và đi mua thì nên chú tâm đến 50% thu nhập để sở hữu nhà vì mua nhà thì mình sẽ có nhà, còn đi thuê xem như “mất hết”.
Nếu vay thì chỉ vay tối đa 50% là hợp lý: Ông Phúc cho rằng, mức vay hoàn hảo nhất mà người trẻ đi vay để mua nhà là 50% giá trị căn nhà, nếu không thể xoay sở được thì có thể vay nhích thêm một chút (tùy vào số lượng tiền đã có) nhưng tuyệt đối không vay quá 70%. Tốt nhất vay càng ít càng tốt để không áp lực về tài chính.
Chất lượng sống của căn nhà cực kỳ quan trọng: Nếu mua căn nhà quá xa thành phố, xa chỗ đi làm thì đó là trở ngại rất lớn cho chất lượng cuộc sống của người trẻ. Do đó, người mua ở thực phải lựa chọn dự án có kết nối giao thông tốt, kết nối đến nơi làm việc thuận lợi. Mình ở khu vực nào, làm việc ở đâu thì nên mua nhà ở đấy. “Nếu tài chính eo hẹp, không đủ khả năng sở hữu nhà gần nơi làm việc thì phải chọn được dự án có hướng đi, vị trí kết nối tốt, không bị kẹt xe”, ông Phúc nhắn nhủ. Ngoài ra, theo ông Phúc, người trẻ mua nhà phải lưu tâm đến yếu tố tiện ích sống, vì mua căn nhà có các tiện ích ngay dưới chân sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian đi lại cũng như sức khỏe bản thân.
Mua nhà là một khoản đầu tư: Nhiều người cho rằng, giới trẻ thì không cần nghĩ đến việc mua nhà quá sớm, nên dành tiền đó đi đầu tư, ở nhà thuê nhưng theo quan điểm của ông Phúc, mua nhà chính là một khoản đầu tư. Tích hợp 2 trong 1 vì đó vừa là khoản đầu tư, vừa là nơi an cư lạc nghiệp. “Nếu thực sự có cơ hội đầu tư tốt hơn thì làm nhưng theo tôi nên tập trung cho mình nơi ăn chốn ở, an cư lạc nghiệp trước”.
Hạ Vy
Theo Trí thức trẻ