23 Th10 TP.HCM: Vướng mặt bằng, 40 dự án chống sạt lở ì ạch
TP.HCM có 40 điểm sạt lở nhưng tiến độ thực hiện các dự án có nguy cơ bị chậm vì vướng GPMB.
Có kè, dân yên tâm sinh sống
Trở lại khu vực bờ kênh bán đảo Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh những ngày này đã thấy một sự thay đổi khác hẳn. Dọc bờ kênh dài 677m đã được kiên cố hóa bằng kè bê tông sắp hoàn thành. Hai bên bờ kênh Thanh Đa cũng đã được xây kè kiên cố. Dưới sông, những chiếc canô, tàu thuyền tha hồ qua lại mà không sợ sóng đánh sạt lở vào bờ. Trên bờ thiết kế công viên cây xanh, các cụ già ngồi hóng mát, các cháu thiếu nhi đạp xe vui đùa. Những hộ dân trước đây ở dọc ven kênh bị sạt lở đã được di dời tái định cư đến nơi ở mới.
Còn nhớ vào lúc 22h30 đêm 24/7/2010, một trận sạt lở kinh hoàng đã diễn ra tại phường 27, quận Bình Thạnh khiến 11 căn nhà bị “hà bá” cuốn trôi. Trước tình hình đó, Sở GTVT đã lập dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa đoạn 1.4 giao cho Khu Quản lý đường thủy nội địa (ĐTNĐ) làm chủ đầu tư. Liên danh Công ty CP Giao thông Sài Gòn – Công ty CP Thủy sản 2 được giao thi công gói thầu này. Dự án có chiều dài 677m, bề rộng mặt kè 3,25m từ hạ lưu cầu Kinh đến bờ kè Công Đoàn. Dự án triển khai được một đoạn 220m thì phải tạm dừng vì vướng GPMB, sau đó đến năm 2016 mới triển khai đoạn tiếp theo. Đến nay, nhà thầu đã thi công cơ bản hoàn chỉnh, chỉ còn một số hạng mục lát đá vỉa hè, lắp đèn chiếu sáng.
Thống kê cho thấy, trên địa bàn TP.HCM hiện có 40 vị trí sạt lở. Ngoài các vị trí ở khu vực Thanh Đa đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh, các vị trí còn lại đang tiếp tục triển khai. Trên địa bàn huyện Nhà Bè có 16 vị trí sạt lở, trong đó 11 vị trí đặc biệt nguy hiểm, 5 vị trí nguy hiểm. UBND thành phố đã cho triển khai 17 dự án xây dựng kè với chiều dài 7.441m để xử lý 16 vị trí này. Trong đó Khu Quản lý ĐTNĐ thực hiện 13 dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình huyện Nhà Bè làm chủ đầu tư 4 dự án.
Theo ông Trần Văn Giàu, Giám đốc Khu Quản lý ĐTNĐ khó khăn nhất hiện nay hầu hết các dự án đều vướng GPMB. Khu Quản lý ĐTNĐ đang tiến hành rà soát chi tiết từng dự án, đẩy nhanh di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Song song đó, chủ động vận động người dân bàn giao mặt bằng thi công trước mắt cho 5 dự án để hoàn thành trong năm 2017, 8 dự án bàn giao mặt bằng chậm nhất ngày 1/1/2018 để kịp hoàn thành trong năm. Với 4 dự án do huyện Nhà Bè thực hiện cũng phấn đấu hoàn thành trong năm 2018. Tổng chiều dài các kè sẽ hoàn thiện trên huyện Nhà Bè là 5.843m.
Áp lực về công tác GPMB
Ông Trần Văn Giàu cho biết, Khu Quản lý ĐTNĐ được giao thực hiện 23 dự án xử lý sạt lở, trong đó 9 dự án đã triển khai, tiến độ đạt 60%. Hiện có 1 dự án đã hoàn thành, 6 dự án tiếp theo sẽ hoàn thành trong năm 2017. Riêng 14 dự án khác đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai và hoàn thành trong năm 2018.
Nhận định về mức độ nguy hiểm của các vị trí sạt lở, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, qua khảo sát trực tiếp tại 40 vị trí sạt lở xuất hiện 2 đoạn có nguy cơ sạt lở tại bờ trái sông Sài Gòn khu vực nhà thờ Fatima (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) và bờ trái thượng lưu cầu Long Kiểng (Ấp 1, xã Phước Kiển, H.Nhà Bè). Cả 2 đoạn này đều tập trung rất đông dân cư, đặc biệt là khu vực bờ trái sông Sài Gòn từ cầu Bình Lợi về phía thượng lưu 600 m có 42 căn nhà nguy cơ sạt lở, trong đó 13 căn nhà nằm hoàn toàn trên sông, 14 căn nhà một nửa nằm trên sông, một nửa nằm trên bờ và 15 căn nhà nằm trong hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch. Sở GTVT đã phối hợp với các cơ quan liên quan khảo sát thực địa để lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án trình Thành phố xem xét, quyết định đầu tư xây dựng bờ kè tại 2 đoạn này.
Ông Lâm cũng cho rằng, cái khó khi triển khai các dự án là công tác GPMB phải qua nhiều thủ tục rất lâu, trong khi người dân ở sát bờ sông có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào. Vì vậy, các đơn vị một mặt thực hiện các thủ tục triển khai dự án, song song đó vận động người dân bàn giao mặt bằng để thi công. Điểm nào có mặt bằng là tổ chức thi công ngay để không mất thời gian. Tuy nhiên, công tác bàn giao mặt bằng của các địa phương vẫn còn khá chậm, kéo dài như: dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông khu vực cầu Giồng Ông Tố (Q.2), xây dựng kè chống sạt lở bờ tả thượng lưu cầu Xóm Củi (Bình Chánh), xây dựng kè bảo vệ chống sạt lở khu vực cầu Long Kiểng, xây dựng kè bảo vệ chống xói lở bờ sông khu vực khu dân cư xã Phước Kiểng…
Mới đây, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP HCM đã có văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT và các sở ngành, UBND quận, huyện tập trung rà soát số hộ dân bị ảnh hưởng tại 40 vị trí sạt lở, đẩy nhanh tiến độ Đề án di dời dân ra khu vực sạt lở. Giao Sở KH&ĐT chủ trì phối hợp với Sở Tài chính cân đối nguồn vốn bố trí kịp thời để thực hiện các dự án xây dựng kè tại các vị trí sạt lở, đặc biệt ưu tiên các dự án tại các vị trí đặc biệt nguy hiểm. Chấp thuận cơ chế thực hiện tổ chức lựa chọn nhà thầu, khởi công ngay khi có điều kiện về mặt bằng, vốn, không nhất thiết phải có quyết định đầu tư được duyệt trước ngày 31/10 của năm trước năm kế hoạch.
Báo giao thông