22 Th3 Thừa nhà tái định cư, lãng phí kéo dài
Tại Hà Nội và TP.HCM đều xảy ra tình trạng thừa nhà tái định cư (TĐC), bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí lớn cho ngân sách. Trong khi đó, cơ quan quản lý vẫn loay hoay với loại hình này.
Nhà tái định cư trên phố Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị bỏ hoang gần 10 năm. Ảnh: Như Ý.
Điệp khúc thừa, bỏ hoang
Mới đây, Kiểm toán Nhà nước vừa công bố những con số dư thừa nhà TĐC tại TPHCM đáng giật mình. Chính báo cáo này khẳng định, việc tính toán không phù hợp với thực tế cũng khiến TPHCM đang lãng phí hàng chục nghìn căn – nền TĐC chưa được đưa vào sử dụng. Số liệu của Sở Xây dựng TPHCM cho thấy, tổng số quỹ nhà, đất đã hoàn thành phục vụ cho công tác TĐC, tính đến ngày 31/3/2017 là 39.991 căn nhà, nền đất (25.506 căn nhà và 14.485 nền đất). Các quận, huyện đã bố trí TĐC được 26.625 căn nhà, nền đất; chưa bố trí được 14.366 căn nhà, nền đất. Như vậy, số lượng quỹ nhà, đất còn tồn đọng tương đương 56% số lượng đã bố trí tái định cư từ năm 2004 đến nay.
Tại Hà Nội chưa có con số cụ thể số lượng dư thừa nhà TĐC, nhưng tình trạng nhà xây đã xong không ai vào ở khiến nhiều người không khỏi mơ ước và xót xa. Con phố trung tâm Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) mọc lên chung cư hơn 20 tầng đẹp đẽ nhưng bỏ hoang nhiều năm nay. Đây là dự án TĐC với khoảng 154 căn hộ do Cty CP Tu tạo và Phát triển nhà làm chủ đầu tư. Được biết, năm 2015, chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự án sau nhiều năm bỏ hoang. Cứ ngỡ người dân sẽ được dọn về ở tại vị trí trung tâm, ấy vậy mà gần 3 năm nữa trôi qua, tòa nhà vẫn chưa có người đến ở.
Hay khu chung cư tái định cư Hoàng Cầu với 4 tòa CT2A, CT2B, CT2C và CT3 về cơ bản đã hoàn thiện, thế nhưng mỗi tòa chỉ có vài hộ về ở. Những toà nhà đã hoàn thành như toà TĐC C1 (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) do Cty Vinaconex 1 làm chủ đầu tư cũng đang bị bỏ hoang.
Mới đây, Hà Nội cũng xôn xao trước khi biết 3 tòa nhà TĐC cao 6 tầng với 150 căn hộ ở khu đô thị mới Sài Đồng (Long Biên, TP.Hà Nội) do Công ty CP xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco3) làm chủ đầu tư được xây dựng từ năm 2001 – 2006 đến nay đang bị bỏ hoang. Lý do là khiếu kiện kéo dài, người dân không nhận nhà. Lãng phí lớn nên chủ đầu tư xin tự đập bỏ 3 toà TĐC này.
Loay hoay xử lý
Trước việc Hanco3 đề xuất phá bỏ toàn bộ 3 tòa nhà để xây nhà thương mại sau 10 năm bỏ hoang, Hà Nội không chấp thuận. Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, sở này đã nhận được đề xuất phá dỡ 3 tòa nhà nói trên. “Chúng tôi chưa đồng ý để họ phá dỡ 3 tòa nhà và đã hướng dẫn họ xây dựng các phương án đề xuất cải tạo, sửa chữa để tiếp tục làm quỹ nhà tái định cư hoặc phá bỏ để xây nhà ở mới. Nhưng đến nay, họ chưa gửi lại phương án đề xuất cho Sở Xây dựng nên chưa báo cáo lãnh đạo UBND TP.Hà Nội để ra quyết định”, vị lãnh đạo cho hay. Và đến nay, 3 tòa nhà TĐC ở quận Long Biên đang xuống cấp trong hoang hóa.
Trước nhiều bất cập về việc xây dựng, quản lý nhà TĐC, Bộ Xây dựng từng đề xuất bỏ khái niệm “nhà TĐC” và không cấp phép xây dựng cho dự án nhà TĐC mới. Thay vào đó sẽ là những dự án nhà ở xã hội dành tỷ lệ nhất định căn hộ phục vụ TĐC. Tuy nhiên, đến nay, đề xuất này cũng rơi vào quên lãng khi Hà Nội vẫn cấp phép cho các dự án nhà TĐC xây mới, bất chấp nhiều nơi không bố trí được người vào ở.
TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng cho rằng, nhà TĐC bỏ hoang là do chủ trương chưa gắn liền với thực tế. Trong quá trình thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng thành phố, chính sách tái định cư là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà TĐC lại chưa phù hợp, chưa tuân theo những quy luật của cơ chế thị trường.
“Hiện nay, nhà TĐC vẫn đang được hiểu là một sản phẩm đầu tư của nhà nước, đầu tư bằng tiền ngân sách. Mà tất cả những gì được đầu tư bằng tiền của ngân sách thì có nhiều người hăng hái, nhiều người thích làm cho bằng được. Vì vậy, mới có chuyện nhiều dự án TĐC được vẽ ra theo trí tưởng tượng của các cá nhân cán bộ, lãnh đạo quản lý…chứ không phải xây dựng dựa trên nhu cầu thực sự của người dân”, TS Phạm Sỹ Liêm nói.
Theo TS Liêm, quy hoạch khu TĐC phải thiết kế khu nhà ở đa chức năng, bao gồm từ chức năng sống, dịch vụ cho tới giải quyết việc làm… Tuy nhiên, hiện nay, những khu đất vàng hầu hết đều bị quy hoạch, phát triển nhà cao tầng, còn người dân bị di dời tới một khu vực cách nơi sinh sống cũ tới cả mấy chục cây số. Cuộc sống của người dân đã rất khó khăn mà hằng ngày lại mất thời gian đi lại, xăng xe, khói bụi… rất nhiều thứ khiến người dân chán nản, không muốn nhận nhà.
Cuối tháng 12/2017, UBND TP Hà Nội có công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo giải trình làm rõ đề xuất về cơ chế đặt hàng xây nhà ở TĐC phục vụ công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn. Theo thống kê của UBND TP. Hà Nội, đến năm 2020, thành phố cần 22.131 căn hộ chung cư cao tầng để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng các dự án.
Tuy nhiên, các dự án đang triển khai thực hiện theo cơ chế đầu tư hiện hành chỉ đáp ứng được khoảng 4.500 căn hộ. Như vậy, cơ quan này tính toán phải đầu tư hơn 17.600 căn hộ nữa để đáp ứng yêu cầu giải phóng mặt bằng xây dựng (chủ yếu là công trình giao thông, hạ tầng) với số vốn dự kiến khoảng 18.514 tỷ đồng.
|
Ngọc Mai (Tiền phong)