22 Th3 Nhà tái định cư Hà Nội: Vì sao khó thành lập Ban quản trị?
Vướng mắc thành lập Ban quản trị không chỉ diễn ra ở các chung cư thương mại mà còn là tình trạng phổ biến với các khu nhà tái định cư ở Hà Nội. Có ý kiến cho rằng, người dân muốn kéo dài tình trạng Nhà nước bao cấp kinh phí bảo trì, duy tu, sửa chữa…
Khu tái định cư 7,2ha phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) không thành lập được Ban quản trị tòa nhà đã nhiều năm nay. Ảnh: Trường Phong.
Thang máy Nhật ruột “lởm”
Sáng 21/3, Ban đô thị HĐND thành phố Hà Nội tổ chức giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư thương mại và tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội tại Cty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội. Báo cáo trước đoàn giám sát về công tác tổ chức Hội nghị nhà chung cư, thành lập Ban quản trị, ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Tổng giám đốc Cty cho biết, Cty đã tổ chức thành công hội nghị nhà chung cư 67 nhà, 44 tòa nhà đã tổ chức hội nghị lần 2 nhưng không thành công. Ông Minh đặc biệt nhấn mạnh việc UBND phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) chưa phối hợp cùng Cty trong việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư ở khu tái định cư 7,2ha. Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo phường Vĩnh Phúc phản đối. Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc cho biết, các tòa nhà tái định cư tại khu 7,2ha hoàn thành và đưa vào sử dụng trước khi có luật nhà ở, nên quỹ bảo trì 2% gần như không có. “Với 906 căn hộ chỉ có hơn 300 triệu tiền quỹ bảo trì. Từ ngày thành lập, đưa vào sử dụng chủ yếu dùng mô hình tự quản của tổ dân phố. Chính vì thế khi triển khai hội nghị nhà chung cư người dân không nhìn thấy lợi ích khi thành lập Ban quản trị”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, phường đã nỗ lực phối hợp với Cty trong việc thành lập Ban quản trị từ nhiều năm trước nhưng không nhận được sự đồng tình của người dân. Từ năm 2016, theo chỉ đạo của thành phố, phường đã xây dựng chuyên đề riêng, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc và tìm nhân sự tham gia vào Ban quản trị. “Huy động được cư dân tham dự hội nghị đã khó nhưng tìm nhân sự tham gia Ban quản trị rất khó vì không có chi phí để trả lương, phụ cấp cho người ta”, ông Dũng nói thêm. Theo ông Dũng, trong năm 2017, phường thành lập được một cụm Ban quản trị với 3 tòa nhà chung cư, thành viên gồm cán bộ cơ sở và 1 thành viên của Cty nhà để hướng dẫn hoạt động. Được vài tháng thì có hơn một nửa viết đơn xin ra khỏi Ban quản trị vì không biết phải làm cái gì, nội dung hoạt động ra sao? Ba tòa nhà phí bảo trì có 70 triệu đồng để hoạt động thì làm được gì. “Điển hình đã như vậy, triển khai cho các tòa nhà khác thì khó. Cuối năm 2017 đã mở Hội nghị nhà chung cư lần thứ nhất nhưng không nổi 20% cư dân tham gia. Nếu cứ thế này, người dân không hiểu về lợi ích khi có Ban quản trị thì không thành lập được, mà nếu thành lập được thì cũng không có hoạt động gì”, ông Dũng chia sẻ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Cty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cho biết, đặt địa vị vào người tham gia Ban quản trị chỉ dùng tiền đóng góp của người dân, không có phí, không có lương, không có gì bù đắp vào quỹ thì thiếu tính bền vững và không có tính hấp dẫn. “Những người tham gia Ban quản trị đều là ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Quỹ 2% của nhà tái định cư thấp, một tòa nhiều lắm chỉ khoảng hơn tỷ. Sửa chữa một cái thang máy hết bao nhiêu? Mà tôi nói chất lượng của thang máy thì gọi là Toshiba, Hitachi nhưng chỉ là vỏ, còn ruột khác hết. Đây là tôi nói thật để các đồng chí biết. Đội duy tu, bảo trì đến nói là tên hãng thế nhưng ruột khác. Chất lượng thế, có một tỷ thì sửa chữa thế nào”, ông Sơn nói. Cũng theo ông Sơn, người dân nhận thức được nếu không tham gia, không lập Ban quản trị thì vấn đề duy tu, bảo trì đó nhà nước phải làm. “Nếu thành lập Ban quản trị thì người dân tự bỏ tiền ra làm… Đấy là một phần nguyên nhân”, ông Sơn nói thêm.
Còn nhiều tồn tại
Phát biểu tại buổi giám sát, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết, còn nhiều tồn tại trong công tác quản lý chung cư tái định cư. Nhiều căn hộ đã hoàn thiện nằm rải rác từng tòa nhà nhiều năm nay chưa bố trí được cho các hộ tái định cư. Nhiều căn hộ còn bỏ trống và sử dụng chưa hiệu quả. “Trong điều kiện quỹ nhà tái định cư của thành phố rất thiếu, tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay. Việc xử lý giải quyết còn chậm và chưa kịp thời, chưa dứt điểm. Trách nhiệm trước hết thuộc về Cty là cơ quan trực tiếp quản lý”, ông Quân nêu. Vẫn theo ông Quân, tại nhiều tòa nhà, mặc dù đã phân định rõ diện tích chung, riêng nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa bàn giao được diện tích sử dụng chung. Nhiều tòa nhà chưa bố trí được các diện tích sinh hoạt cộng đồng mặc dù Cty đã đề xuất phương án, nhưng việc giải quyết của cơ quan chức năng thành phố trong đó có vai trò của Sở Xây dựng là không kịp thời. Đặc biệt, công tác quản lý, vận hành duy tu bảo trì chung cư tái định cư còn tồn tại nhiều bất cập và hạn chế, thậm chí để xảy ra những vi phạm và các sai phạm. “Tôi cho rằng, tồn tại lớn nhất là cơ chế quản lý thu và hỗ trợ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa chung cư chậm được ban hành theo quy định của pháp luật. Đây là nguyên nhân chính gây khó khăn trong công tác quản lý của Cty. Trách nhiệm này thuộc Sở Xây dựng và các sở ngành của thành phố. Công tác phòng cháy chữa cháy thành phố đã yêu cầu khắc phục nhưng việc triển khai cho đến nay Cty chưa báo cáo cụ thể. Các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy ở các tòa chung cư tái định cư rất cũ, lạc hậu, thậm chí là không sử dụng được”, ông Quân nêu.
Giải trình một số vấn đề với đoàn giám sát, ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Cty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, thành phố đã làm tốt công tác hỗ trợ bảo trì 6 nội dung sử dụng từ nguồn vốn ngân sách. “Điều người dân thắc mắc khi thành lập Ban quản trị là thành phố sẽ ủng hộ bao nhiêu để cư dân trong tòa nhà dựa vào đó có phương án đóng góp vào vận hành tòa nhà. Cái này chúng tôi đã báo cáo từ 2015, và Sở Xây dựng cũng đã 2 lần báo cáo lên UBND thành phố nhưng bây giờ vẫn đang trong tình trạng nghiên cứu”, ông Sơn nói.
Nguồn: Báo Tiền Phong Online