09 Th8 Cư dân mâu thuẫn quản lý tòa nhà: Tại anh, tại ả hay tại cả hai bên?
Chị P, nhân viên một công ty đang quản lý chung cư tại Hà Nội và TP.HCM chia sẻ, sau khi tiếp nhận một dự án tại quận 2 chưa lâu thì xảy ra một số vấn đề phát sinh. Thay vì trao đổi trực tiếp với đơn vị quản lý tòa nhà thì cư dân mang lên mạng phản ánh rất gắt gao.
Có cư dân gửi lên báo và báo đưa thông tin một chiều.Vụ việc tưởng chừng như đơn giản nhưng đội ngũ quản lý phải chạy đôn chạy đáo để giải quyết hậu quả. Không những vậy, còn ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu công ty, chị P nói.
Mắc kẹt
Nghề này, theo chị, khổ là vậy. Là đơn vị đứng giữa chủ đầu tư và người mua nhà, đơn vị quản lý tòa nhà gặp nhiều khó khăn khi phải cân bằng lợi ích hài hòa giữa các bên, đôi khi chính họ cũng bị kẹt giữa chủ đầu tư và cư dân.
Ví nghề này như “làm dâu trăm họ”, chị P cho biết dù là dự án cao cấp hay bình dân thì trong lúc vận hành cũng không thể tránh khỏi những sự cố bất ngờ hay sai sót xảy ra, thế nên phải luôn trong tư thế sẵn sàng và linh động để giải quyết mọi việc.
Không chỉ ở TP.HCM, tại Hà Nội cũng có nhiều mâu thuẫn giữa cư dân và đơn vị quản lý. Đơn cử là mâu thuẫn giữa cư dân chung cư E1 (Chelsea Park) và chủ đầu tư là Công ty cổ phần Xây dựng dân dụng Hà Nội bất ngờ bùng phát khi Xí nghiệp Quản lý kinh doanh dịch vụ nhà, một đơn vị thuộc chủ đầu tư đề xuất tăng mức phí quản lý tại chung cư này. Mâu Thuẫn căng thẳng đến mức ban quản trị chung cư này yêu cầu đổi đơn vị quản lý khác.
Đơn vị quản lý là đơn vị đứng ở giữa, một bên là chủ đầu tư, một bên là cư dân để cân đối hài hòa giữa quyền và lợi ích của chủ đầu tư và cư dân
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng – Tổng giám đốc công ty cổ phần Sài Gòn Triển Vọng (Savista), trên thực tế, khi chung cư bắt đầu đưa vào sử dụng thì chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm đứng ra quản lý hoặc thuê một đơn vị khác thực hiện. Trong giai đoạn đầu khi cư dân vào ở chưa đủ, chưa thể tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ra ban quản trị thì chủ đầu tư sẽ đưa ra nội quy và những quy định liên quan để phục vụ cư dân sinh sống trong đó.
Nội quy này thường đơn vị quản lý sẽ trực tiếp biên soạn, sau đó chủ đầu tư phê duyệt ban hành dựa trên những hướng dẫn từ các thông tư của Bộ Xây dựng. Căn cứ vào những hướng dẫn đó đơn vị quản lý tòa nhà sẽ bổ sung hoặc điều chỉnh để phù hợp với từng dự án. Sau đó khi cư dân đã dọn về sinh sống đông đủ và tổ chức hội nghị nhà chung cư bầu ra ban quản trị. Ban quản trị này sẽ quyết định, ban hành lại nội quy chính thức.
Đơn vị quản lý nhà kêu khổ
Theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc, Việt Nam, JLL, rất nhiều người khi mua căn hộ, nhất là ở những dự án cao cấp họ rất háo hức với viễn cảnh sống trong một môi trường văn minh, an ninh tuyệt đối và được sử dụng những tiện ích chung một cách thoải mái. Thế nhưng khi vào nhận nhà, họ thường bối rối khi bị yêu cầu phải tuân theo những quy định chung của tòa nhà.
Ông Stephen lấy ví dụ, cư dân thường cảm thấy phiền phức khi phải đăng ký lịch ra vào tòa nhà cho thợ thi công nội thất, phải đặt cọc một khoản tiền trong thời gian thi công nội thất. Trong trường hợp thợ thi công, thợ sơn phết, thợ mộc hay các thợ lắp ráp máy móc vào làm hư hỏng những tiện ích chung, phí này sẽ bị trừ, nếu không sẽ được hoàn lại 100%.
Cũng có trường hợp, cư dân đề nghị đơn vị quản lý cung cấp nhiều thẻ ra vào tòa nhà cho người giúp việc và bà con họ hàng được ra vào thoải mái. Có nhiều người mong muốn cho bạn bè và người thân dùng chung hồ bơi. Tuy nhiên điều này sẽ gây mất an ninh khi có quá nhiều mà đơn vị quản lý không thể nắm rõ thông tin ra vào tự do và đôi lúc họ còn không giữ gìn vệ sinh chung tại những khu tiện ích, ông Stephen nói.
Với kinh nghiệm quản lý tòa nhà lâu năm, ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, trong quá trình vận hành, đơn vị quản lý thường gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thời gian đầu khi chung cư mới đưa vào sử dụng sẽ phát sinh ra rất nhiều vấn đề. Đầu tiên khi cư dân vào ở hình thành một cộng đồng, văn hóa sống tại khu vực đó chưa chín mùi, ý thức của một số cư dân chưa cao nên nảy sinh ra nhiều mâu thuẫn.
Đặc biệt khi cư dân dọn vào sinh sống, nếu có những vấn đề chủ đầu thực hiện không đúng như cam kết ban đầu, nhiều khách hàng sẽ phản ứng. Lúc này đơn vị quản lý là đơn vị đứng ở giữa, một bên là chủ đầu tư, một bên là cư dân để dung hòa và giải quyết những mâu thuẫn đó. Đây cũng là vấn đề khó nhất đối với các công ty quản lý khi phải cân đối hài hòa giữa quyền và lợi ích của các bên, làm sao cho hợp lý, đồng thời cùng với chủ đầu tư và cư dân tham gia xây dựng một cộng đồng tại chung cư đó, ông Dũng nói.