12 Th9 Cư dân chung cư liên tục phản đối chủ đầu tư, chính quyền Hà Nội chỉ thị chấn chỉnh
Từ đầu năm đến nay, tại Hà Nội xảy ra nhiều vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư các khu chung cư và cư dân mua nhà, có vụ việc bức xúc đến nỗi cư dân đã căng băng rôn “xuống đường” phản đối… Trước thực trạng này, chính quyền TP Hà Nội vừa ban hành chỉ thị chấn chỉnh.
Đơn cử, theo phản ánh của nhiều cư dân sống tại chung cư Skylight Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) do Tổng Công ty Cơ khí xây dựng (COMA) làm chủ đầu tư, dự án đã bàn giao cho cư dân nhiều năm, nhưng phần diện tích chung hiện vẫn đang bị chủ đầu tư chiếm dụng cho thuê.
Được biết, trong hợp đồng mua bán căn hộ, chủ đầu tư ghi rõ tầng kỹ thuật là tầng thuộc sở hữu chung. Nhưng hiện tầng này đang là nơi đặt văn phòng ban quản lý. Đáng nói là, dù ngang nhiên chiếm dụng phần diện tích chung để làm ban quản lý nhưng trước đó, đơn vị vẫn tính chi phí thuê mặt bằng vào chi phí thuê hàng tháng với số tiền đã chi là 13,2 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 150 triệu đồng/năm.
Một vụ việc nổi cộm khác là 400 hộ dân sinh sống tại tòa nhà VP3 bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai) vô cùng bức xúc khi thường xuyên bị mất nước sinh hoạt, ngay cả trong đợt nắng nóng đỉnh điểm vừa qua.
Cuộc sống đảo lộn vì… khát nước sạch khiến hàng trăm người dân, trong đó có cả trẻ em đã căng băng rôn phản đối chủ đầu tư. Được biết chủ đầu tư của tòa nhà VP3 Linh Đàm là Công ty CP xây dựng số 1 Điện Biên (thuộc tập đoàn Mường Thanh).
Cư dân chung cư VP3 cho biết, tính từ đầu năm tòa nhà đã mất nước 3 lần. Lần mất nước gần đây nhất, chủ đầu tư ghi trên bảng tin cho cư dân là buổi sáng cấp 1 tiếng, trưa cấp 1 tiếng và tối 1 tiếng nhưng lại thực hiện không đúng cam kết. Để trữ nước, các hộ gia đình phải mua thêm cả can nhựa nhưng vẫn không đủ nước để dùng, phải đi tắm nhờ ở nhà người quen…
Người dân cho biết, sở dĩ nước không được cấp thường xuyên là do đường ống bắt từ tòa VP6 về tòa nhà VP3 nhỏ. Chỉ khi nào tòa nhà VP6 đầy nước thì tòa VP3 mới có nước… ăn tạm. Các hộ dân đã kêu mất nước từ 3 năm trước rồi nhưng chủ đầu tư vẫn phất lờ. Mặc dù mọi người không có nước để sinh hoạt nhưng chủ đầu tư chỉ ra thông báo mất nước chứ không lý giải tại sao, trong khi đó các tòa nhà khác bên cạnh vẫn có nước bình thường.
Tương tự cư dân khu chung cư VP3, một nhóm cư dân chung cư Helios 75 Tam Trinh (quận Hoàng Mai) cũng mang theo nhiều băng rôn, biểu ngữ “xuống đường” phản đối Công ty CP Đầu tư Xây dựng NHS – chủ đầu tư dự án. Đại diện cộng đồng dân cư cho biết, trong suốt thời gian qua, chủ đầu tư chung cư Helios Tam Trinh đã vi phạm nhiều vấn đề, từ việc minh bạch tài chính đển các sai phạm khác về trật tự xây dựng.
Điển hình như: Thi công sai quy định, thi công không có phép; thu tiền điện nước không đúng với mức giá quy định của Nhà nước; tự ý xây dựng thêm những hạng mục trái cam kết… Ngoài ra, theo phản ánh của đại diện cộng đồng dân cư về việc xây dựng sai phép, không phép, chủ đầu tư tự ý ngăn tầng 4 của tòa nhà thành hai, tạo ra tầng thương mại thứ 5 mang tên 4A (tức vượt 1 tầng thương mại so với giấy phép được cấp).
Đáng lưu ý hơn, chủ đầu tư còn đồng ý cho một số căn hộ lấn chiếm không gian chung làm không gian riêng. Cụ thể là cho phép một số người tại các tầng 20B và 35B xây bịt hành lang các tầng này làm không gian riêng. Thậm chí, chủ đầu tư còn để chủ nhà tại tầng 35B đục mái chung cư, xây thêm một phần không gian dạng mái vòm vươn hẳn lên trên nóc công trình.
Nhiều năm nay, cư dân chung cư Thăng Long Garden 250 Minh Khai đã liên tục đấu tranh đòi chủ đầu tư dự án phải trả lại gần 20 tỷ đồng tiền quỹ bảo trì tòa nhà để Ban quản trị có tiền tu sửa, bảo trì chung cư. Song chủ đầu tư đã cố tình không chịu ban giao khiến cư dân vô cùng bức xúc và xuống đường biểu tình, phản đối.
Theo đại diện cư dân 250 Minh Khai, từ khi Ban quản trị thành lập, đã 3 lần yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì nhưng chủ đầu tư không hợp tác. Nhiều cuộc họp và nhiều lệnh của chính quyền cấp phường, quận đã được ban ra nhưng chủ đầu tư dự án là Công ty May Thăng Long vẫn phớt lờ. Mới đây, ông Ngô Văn Đơn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP May Thăng Long thông báo đã tiêu hết quỹ bảo trì tòa nhà do làm ăn bết bát, thua lỗ.
Trước thực trạng này, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND, tăng cường hiệu lực trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Cụ thể, UBND TP Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư có trách nhiệm: Ngay sau khi đủ điều kiện, tổ chức Hội nghị nhà chung cư để thành lập Ban quản trị nhà chung cư và thực hiện bàn giao hồ sơ nhà chung cư, thu và bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư cho Ban quản trị nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở và Thông tư số 02/2016/TT-BXDT.
UBND TP Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện đúng các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình được quy định tại Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD.
UBND các quận, huyện, thị xã (nơi có nhà chung cư) trên địa bàn TP Hà Nội có trách nhiệm: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương trong việc bàn giao hồ sơ nhà chung cư của chủ đầu tư cho Ban quản trị; trong việc quyết toán số liệu và bàn giao kinh phí bảo trì giữa Chủ đầu tư và Ban quản trị; việc quản lý, sử dụng nhà chung cư được quy định tại Thông tư số 02/2016/TT-BXD.
UBND phường, xã, thị trấn (nơi có nhà chung cư) trong việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư khi chủ đầu tư đã tổ chức hội nghị nhà chung cư nhưng không đủ số lượng người tham gia hoặc chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư khi đã đủ điều kiện theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư quy định tại Thông tư số 02/2016/TT-BXD.
Thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về quản lý nhà nước về nhà chung cư; kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư, các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư tổ chức Hội nghị nhà chung cư để thành lập Ban quản trị theo Quy chế.
Đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra, xử lý, giải quyết kịp thời những tồn tại, hạn chế phát sinh trong quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn, phối hợp với Sở Xây dựng giải quyết những trường hợp phức tạp kéo dài; trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND thành phố xin ý kiến chỉ đạo giải quyết theo quy định.
Tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư theo quy định của pháp luật. Lập và triển khai trong quý III/2017 Kế hoạch kiểm tra các tòa nhà chung cư thương mại đã được đưa vào quản lý vận hành trên địa bàn.
NDH