11 Th9 Công nghệ 4.0 trong xây dựng các tòa nhà chọc trời
Doanh nghiệp từng tham gia xây dựng tháp Bitexco tại TP HCM chia sẻ về việc áp dụng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, tiết giảm chi phí.
Việc ứng dụng công nghệ trong xây dựng vừa được ông Michael Doring, Tổng giám đốc Tập đoàn Turner International (Mỹ), một nhà thầu có kinh nghiệm quản lý các toà tháp chọc trời trên thế giới chia sẻ tại Hội nghị Bất động sản Quốc tế (IREC) ở Hà Nội.
Turner International từng tham gia những dự án chọc trời như Tòa nhà 101 ở Đài Loan hay công trình Trung tâm Tài Chính TP HCM (Bitexco Financial Tower), khách sạn JW Marriot Hà Nội. Đây cũng là tập đoàn áp dụng nhiều công nghệ hiện đại trong quản lý việc xây dựng công trình.
Đầu tiên là hệ thống mô hình BIM Turner đã áp dụng 12 năm qua. Mỗi khi bắt đầu thiết kế, Turner áp dụng công nghệ mới với các bản vẽ 2D, 3D để hình dung về các công trình trong thực tế và tìm ra giải pháp tối ưu. Bằng công nghệ này, doanh nghiệp lồng ghép các bản vẽ và thiết kế vào hệ thống để tìm ra những vấn đề chưa ổn và đưa ra giải pháp khắc phục, điều nay giúp tiết kiệm được thời gian thi công.
Trung tâm Tài chính TP HCM ( Bitexco Financial Tower). Ảnh: Cuộc thi ảnh VnExpress |
Tiếp đến là công nghệ Drones được áp dụng ngay khi bắt đầu dự án. Theo ông Michael Doring, trong xây dựng tòa nhà chọc trời, Drones là công nghệ rất quan trọng, giúp các chủ đầu tư có thể đo lường về tiến độ theo từng tháng.
Công nghệ 360 độ thì khá đơn giản trong cách sử dụng song rất hữu ích khi đơn vị quản lý có thể đi quanh công trường và sử dụng máy quay để chụp camera 360 độ. Với công nghệ này, các bên liên quan dự án có thể theo dõi, đo lường được tiến độ, kéo chỉnh lên xuống theo các chiều để quan sát công trình một cách đầy đủ.
Cho rằng công nghệ rất tuyệt vời nhưng theo ông không thể làm được tất cả mọi thứ khi triển khai một dự án mà vẫn cần con người và các quy trình chuẩn. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn luôn cố gắng giản tiện các quy trình, bộ máy nên từ năm 2004, công ty này đã áp dụng văn hoá tinh gọn bằng cách tối đa hoá giá trị cho khách hàng, loại bỏ mọi sự thừa thãi.
“Mỹ là một đất nước mà chi phí nhân công đắt đỏ, độ tuổi lao động già hóa và tỷ lệ này đang tăng lên nên chúng tôi bắt buộc phải đổi mới, sáng tạo để phù hợp với thực tế. Ngành xây dựng cũng liên tục có những công nghệ đỉnh cao nên nếu không thay đổi sẽ đứng ngoài cuộc chơi”, chuyên gia này cho hay.
Tổng giám đốc Turner International cũng đưa ra các dẫn chứng cho thấy các công nghệ và sự tinh giản mang lại hiệu quả về kinh tế. Ông dẫn số liệu khảo sát của KPMG cho thấy một phần ba chủ đầu tư được hỏi nói rằng chi phí dự án vượt 10% so với dự tính, trong khi chỉ 20% trong số này nói rằng đúng mức dự toán.
Khi Turner International triển khai dự án cao hơn 300m , diện tích sàn 240.000 m2 tại Kuala Lumpur (Malaysia), việc áp dụng các công nghệ, tinh giản bộ máy giúp chi phí xây dựng của công trình chỉ bằng một phần tư so với dự án khác có chiều cao, diện tích tương tự bên cạnh. Với những công trình tại Việt Nam như Bitexco Tower, Khách sạn Marriot, đơn vị này cũng áp dụng những công nghệ tương tự trong quản lý xây dựng.
Tiếp lời đại diện Turner, ông Lê Nhỏ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sunshine cũng chia sẻ về những công nghệ mà đơn vị này đang áp dụng trong xây dựng – bất động sản. Ví dụ, màn hình tương tác ảo là một trong những thành tựu của công nghệ 4.0 cho phép khách hàng trải nghiệm thực tế dự án mà không phải đến trực tiếp tận nơi mà Sunshine và nhiều doanh nghiệp trong nước đang áp dụng.
Với công nghệ này, theo ông, chủ đầu tư chỉ cần xây dựng môi trường không gian ảo với các thiết bị tích hợp là có thể tham quan dự án tại bất kỳ địa điểm, thậm chí cả ở nước ngoài. Bên cạnh đó, khách hàng có thể đặt ra những yêu cầu riêng cho việc thiết kế, lựa chọn thiết bị cho nhà mình theo tư duy chủ quan. Điều này giúp doanh nghiệp bất động sản có thể cung cấp sản phẩm mang tính “cá nhân hóa” một cách tối ưu và rất linh hoạt.
Tại các dự án của Sunshine Group, giải pháp công nghệ được ứng dụng theo hành trình khép kín của một vòng đời dự án, được thực hiện từ khâu giới thiệu sản phẩm, xây dựng thi công cho đến khi bàn giao và đưa vào vận hành. Đặc biệt, các hệ thống phần mềm, ứng dụng, thậm chí cả phần cứng – vi mạch cho đến khâu quản lý vận hành các tòa nhà đều do họ tự phát triển.
Không chỉ trong ngành xây dựng, gần đây, nhiều doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cũng vận dụng công nghệ vào nâng cao năng suất và đã ghi nhận kết quả khả quan. Công ty TNHH Công nghiệp Chính Đại (Thành Danh thép) vừa công bố việc xây dựng nhà máy thép 4.0 trong sản xuất. Với công nghệ QR Code, thủ kho chỉ cần dùng điện thoại quét mã QR code là có thể nhận biết được thông số sản phẩm và thông tin sẽ được xuất trực tiếp trên hệ thống ERP nội bộ nhanh chóng thay vì ghi chép thủ công.
Đơn vị này cũng áp dụng robot vào tự động hóa sản xuất thép, áp dụng AI vào việc phối hợp sản xuất. Các robot tự động đầu tiên được doanh nghiệp áp dụng thuộc dòng Motoman của nhà sản xuất Nhật Bản Yaskawa.
Nhờ áp dụng hệ thống robot trong tháng 8/2018, doanh nghiệp giảm 50% nhân công trong khi sản lượng thực tế trên một ca sản xuất sử dụng robot cao hơn từ 200% so với việc sử dụng lao động có tay nghề tốt nhất.
Nguồn: Vnexpress.net
Nguyễn Hà