Không phải ngẫu nhiên gần đây giới đầu tư địa ốc tỏ ra quan tâm đặc biệt đến Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo phân tích của các chuyên gia, BR-VT là địa phương hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để trở thành một tỉnh phát triển công nghiệp, du lịch tiềm năng của miền Đông Nam Bộ.
Ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty CP Asia New Time cho biết, Bà Rịa – Vũng Tàu từ lâu được đánh giá như “trái tim của du lịch biển” của khu vực Đông Nam bộ với bờ biển có chiều dài 305km, có nhiều bãi tắm đẹp.
Thêm vào đó, sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển hạ tầng kết nối liên vùng đã khiến Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều tiềm năng phát triển hơn bao giờ hết. Đặc biệt, chỉ trong một thời gian rất ngắn, nhiều đại gia BĐS đã mạnh tay và toan tính rót hàng chục nghìn tỷ đầu tư vào đây, đang mở ra nhiều tiềm năng cho thị trường BĐS của tỉnh.
Theo đó, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai thời gian qua đã nhiều lần kiến nghị với Bộ GTVT sớm đầu tư tuyến đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu gần 9.000 tỷ đồng, cùng với Sân bay quốc tế Long Thành thì tuyến đường cao tốc này trở nên rất quan trọng do kết nối các khu công nghiệp với sân bay và cảng biển. Song song đó, hiện nay, TP.HCM đang cùng các tỉnh, thành phố trong vùng cùng tiến hành nghiên cứu các dự án kéo dài tuyến metro số 1 đến Biên Hòa (Đồng Nai) và Dĩ An (Bình Dương).
Chưa hết, tại cuộc họp gồm đại diện các sở GTVT Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mới đây, tuyến đường Vành đai 3 có tính chất liên Vùng quan trọng cũng sẽ được đầu tư sớm. Đường vành đai 3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 và điều chỉnh từ năm 2013.
Mới đây nhất, dựa trên nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Đồng Nai cho biết đã làm việc với Sở Giao thông Vận tải TP.HCM để bàn phương án xây dựng cầu Cát Lái sớm nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp Long Thành, Nhơn Trạch ra cảng ở TP.HCM và ngược lại. Tỉnh Đồng Nai sẽ là địa phương chủ động đứng ra xây dựng dự án, mời gọi các nhà đầu tư để đẩy nhanh thời gian thực hiện.
Với cơ hội to lớn cho sự phát triển thị trường trong giai đoạn tới, Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang đón nhận những dòng vốn lớn vào lĩnh vực BĐS. Trong đó, nhiều nhà đầu tư tranh thủ cơ hội giới thiệu những dự án đất nền ven biển, tạo xu hướng đầu tư mới trong thời gian tới.
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã đến Bà Rịa – Vũng Tàu để tìm hiểu đầu tư. Đơn cử như Novaland đề xuất Dự án Khu đô thị phức hợp trục đường 3/2, diện tích khoảng 99,5ha, thuộc phường 10 và 11, TP. Vũng Tàu. Trước đó, Tập đoàn Tuần Châu đề xuất siêu dự án nghỉ dưỡng rộng gần 400ha. Tập đoàn SunGroup cũng đã khảo sát, tìm hiểu dự án nghỉ dưỡng khu vực núi Dinh; một tập đoàn địa ốc lớn khác trong nước cũng đang đề xuất rót vốn đầu tư khu vườn thú hoang dã Safari và tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp rộng hơn 500ha…
Mới đây nhất, tập đoàn BRG, Gami Group cũng đã có các cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc tìm hiểu một số quỹ đất để đầu tư các khu phức hợp cao cấp ven biển Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Korea Infrastructure Company Limited vừa cho biết sẽ sẵn sàng đầu tư 3,2 tỷ USD dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Paradise và Khu đô thị mới Bàu Trũng nếu được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chấp thuận.
Ngoài ra, Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLGL) đã đề xuất đầu tư vào tỉnh này 5 dự án nghỉ dưỡng và khu công nghiệp cảng biển quy mô khá lớn; Hưng Thịnh, DIC Corp cũng đang phát triển hàng nghìn căn hộ condotel trên các quỹ đất sẵn có tại TP Vũng Tàu.
Không đứng ngoài cuộc, FLC đã khảo sát thực tế các dự án du lịch, khu dân cư mà địa phương này đang kêu gọi đầu tư. Cụ thể, Khu đô thị Tây Nam thành phố Bà Rịa (gần 1.700ha), Khu tổ hợp du lịch Núi Dinh (2.400ha), Vườn thú hoang dã Safari (hơn 600ha), Chợ Du lịch Vũng Tàu (3,7ha), khu đất góc đường Thống Nhất – Lý Thường Kiệt.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng không phải mới đây các nhà đầu tư mới tìm đến Bà Rịa – Vũng Tàu, mà đây chính là thời điểm chín mùi để họ cụ thể hoá chiến lược đầu tư của mình. Đặc biệt, ngoài siêu dự án sân bay Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, thì hàng loạt dự án giao thông liên kết vùng khác chuẩn bị được khởi công cũng là “cú hích” mới cho dòng vốn đầu tư vào tỉnh này.
Điều đặc biệt, với cách đây khoảng hơn nửa năm, giá đất tại nhiều địa phương trong tỉnh đã tăng 20-30%, thậm chí 50%. Một mặt bằng giá mới đã được hình thành và giá BĐS thay đổi chóng mặt là câu chuyện được giới đầu tư địa ốc liên tục cập nhập trong những tháng gần đây. Qua khảo sát, được biết có không dưới 10 dự án BĐS được công bố ra thị trường trong quý 2 và quý 3/2018 tại Bà Rịa – Vũng Tàu, cho thấy thị trường nơi đây đang thật sự sôi động. Tuy vậy, điểm lạ hiện nay thị trường BĐS của tỉnh này, trong đó khu vực TP. Vũng Tàu lại không có nhiều nguồn cung biệt thự biển, trong khi nhu cầu về loại hình này luôn có cũng như lợi nhuận mang lại tương đối lớn.
Theo ghi nhận, thị trường BĐS nghỉ dưỡng ở đây hiện nay tập trung chủ yếu ở 2 khu vực. Đó là: khu ven biển TP. Vũng Tàu tập trung chủ yếu các dự án condotel và resort nghỉ dưỡng; Khu vực Long Hải – Hồ Tràm tập trung các dự án resort nghỉ dưỡng, phân bố dọc theo trục đường ven biển nối TP.Vũng Tàu – Long Hải – Hồ Tràm – Bình Châu.
Tại TP. Bà Rịa đáng chú ý có dự án của Hưng Thịnh Land với 400 nền đất sắp được giới thiệu ra thị trường. Bên cạnh đó, HT Real đang triển khai hạ tầng nội bộ của dự án đất nền với hơn 100 nền; Một số dự án khác nằm cạnh khu công nghiệp Phú Mỹ, Châu Đức cũng rục rịch khởi động để tung ra thị trường dịp cuối năm nay. Với phân khúc đất nền, nhà phố tại một số dự án gần khu vực trung tâm TP. Bà Rịa đang được giao dịch ở mức từ 35-40 triệu đồng/m2, tương đương khoảng từ 3,5-4 tỷ đồng/căn.
Sôi động nhất phải kể đến khu vực quanh TP. Vũng Tàu, ngoài các “ông lớn” địa ốc như Hưng Thịnh Land, DIC Corp, Vung Tau Real, Novaland… đang xây dựng dự án, thì mới đây Công ty TNHH Allgreen Vượng Thành – Trùng Dương cũng đưa ra thị trường dự án Vung Tau Regency quy mô 23ha, với 192 căn biệt thự ở Chí Linh, TP.Vũng Tàu. Số liệu được một số sàn giao dịch trên địa bàn cung cấp cho biết, tình hình tiêu thụ của dự án khá tốt, tỷ lệ tiêu thụ Regency Vũng Tàu đạt khoảng 42%,
Qua tìm hiểu được biết, riêng tại TP. Vũng Tàu, giá đất nền đã tăng từ 20-40%, thậm chí có nơi lên 50%. Tăng “nóng nhất” vẫn là khu dân cư Á Châu, dọc các tuyến đường như Lạc Long Quân, Phó Đức Chính, Trần Quý Cáp, Thùy Vân, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám, khu vực xã Long Sơn… Giá chào bán đất nền ven biển hiện nay ngang với khu Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 của TP.HCM, khoảng 60-70 triệu đồng/m2, cách biển từ 4-6km có giá 25-40 triệu đồng/m2.
Bà Nguyễn Long Anh Thư, Tổng Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Nguyên Long Real cho rằng, hiện các dự án ở TP.Vũng Tàu nói riêng và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung giá trị sản phẩm BĐS không bị thổi giá như ở khu vực Đồng Nai, Long An, Bình Dương. Chính vì vậy, TP. Vũng Tàu có nhiều cơ hội cạnh tranh nguồn khách với các thị trường lân cận. Ngoài ra, thị trường BĐS Vũng Tàu hơn Long An, Bình Dương và Đồng Nai ở chỗ là lựa chọn của nhà đầu tư quan tâm tới các dự án BĐS nghỉ dưỡng để sở hữu cho mình một ngôi nhà thứ 2.
Nguyên Minh
Theo Trí thức trẻ
Nguồn: cafef.vn