03 Th6 Homestay tại các khu chung cư có phạm luật?
Dùng căn hộ trong các dự án đô thị làm homestay mới xuất hiện vài năm trở lại đây. Theo một số chuyên gia, như vậy không phạm luật, nhưng dễ nảy sinh những bất cập trong quá trình cho thuê và làm thất thoát một khoản thuế của Nhà nước.
Không có một con số thống kê chính thức, nhưng khi tìm kiếm homestay tại Hà Nội, chỉ trong 0,47 giây đã ra hơn 7 triệu kết quả. Riêng homestay phố cổ Hà Nội ra hơn 1,8 triệu kết quả trong vòng 0,60 giây; homestay chung cư Hà Nội cho gần 1 triệu kết quả trong vòng 0,51 giây…
Nở rộ homestay tại chung cư
Nhu cầu nghỉ dưỡng tại Hà Nội không chỉ dành cho khách du lịch mà đối với cả người dân Thủ đô. Do đó, nguồn cầu đã tăng lên một cách nhanh chóng thời gian gần đây.
Tại phố cổ, homestay đã phát triển “cực thịnh” do khu vực này có nhiều khách du lịch trong và ngoài nước thuê để được hoà vào cuộc sống của người dân bản địa.
Tại các khu nghỉ dưỡng ven đô, homestay phát triển phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng chủ yếu cho người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận. Thế nhưng, các homestay đang phát triển tại các quận mới và các khu đô thị (KĐT) đang là một hướng đi mới cho người dân Thủ đô và du khách muốn khám phá văn hóa địa phương.
Không khó để có thể tìm được homestay tại các dự án đô thị, chỉ cần nhấp chuột là ra hàng ngàn căn hộ đang có nhu cầu cho thuê theo giờ, ngày. Các homestay này đa phần nằm tại các khu vực có hạ tầng giao thông đồng bộ, hạ tầng xã hội hoàn thiện.
Đặc biệt, mô hình này nở rộ tại KĐT Ecopark, do đây là một khu vực có môi trường sống trong lành, có nhiều cảnh quan để du khách có thể chụp ảnh, dạo chơi, ngắm cảnh.
Chị Nguyễn Ly (Ecopark) cho hay, do làm trong cơ quan nhà nước bó hẹp thời gian và thu nhập thấp, chị đã rời cơ quan về nhà, cùng anh chị em trong gia đình tích cóp mua được 5 căn hộ tại khu vực Ecopark, có diện tích 35 – 70 m2 để làm homestay.
Theo chị, từ khi đi vào vận hành chuỗi homestay này, chị vô cùng bận bịu vì tự mình điều hành, không thuê quản lý để giảm chi phí cho khách hàng. Các căn hộ của chị luôn được lấp đầy khách, thậm chí những ngày lễ như 30/4 – 1/5 vừa qua, khách không đặt phòng trước một tháng đều không có.
Nếu so với các khách sạn 3 – 4 sao, giá thuê phòng của chị khá mềm, trong khi tiện nghi đều được chị thiết kế sang trọng, thiết bị bếp, nhà tắm đầy đủ, khu vực đô thị có cả bể bơi.
Thời gian cho thuê được chị tính theo tiêu chuẩn của khách sạn. Trong tuần, giá từ 500.000 – 700.000 đồng/căn hộ 1 phòng ngủ/ngày, cuối tuần 1 – 1,1 triệu đồng/ căn hộ 1 phòng ngủ. Đối với căn hộ 2 phòng ngủ, giá chỉ nhích lên 250.000 – 300.000 đồng/căn.
Anh Trần Văn Hiền (quận Tây Hồ) cũng đầu tư 3 căn hộ chung cư tại 3 nơi: Goldmark City, Ciputra, Vinhome Mễ Trì để làm homestay. Các căn hộ của anh đều nằm tại những KĐT lớn, gần trung tâm nhưng giá thuê cũng không cao hơn các khách sạn 3 – 4 sao mà khách hàng vẫn tận hưởng được các dịch vụ cao cấp.
Khó quản lý
Đánh giá về loại hình homestay này, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng pháp luật không cấm người dân cho thuê nhà, đặc biệt là không có quy định rõ thuê ngắn hạn hay dài hạn. Chỉ có điều, nếu sau này có vấn đề gì xảy ra thì không biết sẽ có cách quản lý ra sao.
Cùng góc nhìn trên, theo ông Trần Đình Quý – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa, pháp luật không cấm kinh doanh homestay. Tuy nhiên, người dân muốn khai thác cho thuê căn hộ thì phải tuân thủ đúng các thủ tục về kinh doanh căn hộ thương mại.
Theo đó, nếu muốn kinh doanh phải có chức năng công ty, phải được cấp phép kinh doanh và có nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước. Cơ sở kinh doanh phải đảm bảo các yếu tố an toàn cho khách thuê như phòng cháy chữa cháy, vấn đề về an ninh. Mặt khác, khách du lịch đến ở tại căn hộ phải đăng ký tạm trú với cấp chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít người lo ngại rằng việc kinh doanh homestay bên cạnh những mặt tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu của khách du lịch thì cũng dễ dẫn đến nhiều lỗ hổng để các chủ kinh doanh lách luật, như cho thuê đơn thuần mà không đăng ký hộ kinh doanh cá thể, hoặc doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú… dẫn đến không đảm bảo các điều kiện về lưu trú, hoặc xảy ra các sự cố không mong muốn.
Phân tích rõ hơn điều này, luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch công ty Luật Basico, cho rằng về bản chất, mô hình kinh doanh cho khách du lịch thuê căn hộ giống với hình thức cho thuê nhà theo tháng hoặc theo năm tại các thành phố lớn. Đó là căn hộ của người dân, việc họ tự cho thuê là không sai.
Song nếu như những căn hộ cho thuê dài hạn thường có hợp đồng thuê thì mô hình này chỉ cho thuê ngắn hạn, không có hợp đồng, chủ nhà cũng không đăng ký kinh doanh nên Nhà nước không thu được thuế.
Bên cạnh đó, vị luật sư này cũng thừa nhận, việc có quá nhiều đối tượng khách hàng từ người mua để ở, khách du lịch thuê theo ngày, khách thuê lâu dài đến khách du lịch cùng sinh hoạt trong chung cư sẽ rất phức tạp.
Trước những bất cập này, không ít người băn khoăn về việc hình thức cho thuê homestay dễ dàng dẫn đến việc khó quản lý được mục đích sử dụng của khách thuê, dẫn đến những “lổ hổng” nếu như khách thuê sử dụng homestay vào mục đích không lành mạnh