Công ty TNHH Tư vấn - Dịch vụ - Đầu tư Song Ngọc | Gian nan chủ quyền nhà cho người nước ngoài
Dịch vụ Quản lý tòa nhà, Quản lý chung cư của SONG NGỌC cam kết mang lại hiệu quả và lợi nhuận tối đa cho quý khách hàng và doanh nghiệp với chi phí hợp lý
Quản lý tòa nhà, Quan ly toa nha, Quản lý chung cư, Quan ly chung cu, Quản lý tòa nhà Song Ngọc, Song Ngọc
17188
post-template-default,single,single-post,postid-17188,single-format-standard,ajax_fade,page_not_loaded,,vertical_menu_enabled,side_area_uncovered_from_content,qode-theme-ver-7.4,wpb-js-composer js-comp-ver-4.9.2,vc_responsive
 

Gian nan chủ quyền nhà cho người nước ngoài

30 Th8 Gian nan chủ quyền nhà cho người nước ngoài

Những thủ tục, quy định rườm rà khiến nhiều người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam không được cấp giấy chủ quyền.

Sau 2 năm áp dụng quy định cho phép người nước ngoài mua nhà, dù đã có nhiều yếu tố tích cực là tạo tâm lý tốt cho người nước ngoài và thu hút dòng tiền vào thị trường bất động sản nhưng đến nay có rất ít người nước ngoài được cấp chủ quyền.

Giao dịch nhiều, cấp giấy ít

Theo báo cáo của Savills Việt Nam, chỉ riêng thị trường bất động sản TP HCM, trong vòng 2 năm qua đã có hàng ngàn giao dịch thành công với khách hàng là người nước ngoài. Trong năm 2017 đã có rất nhiều dự án “chạm trần” sở hữu khách nước ngoài trong thời gian nhanh chóng. Gần đây nhất, một dự án nằm ở vị trí đắc địa của quận 2 được mở bán giai đoạn 2 thì hạn ngạch dành cho người nước ngoài đạt hơn 30% trong thời gian ngắn. Nhiều khách nước ngoài quan tâm đến dự án nhưng không có được suất mua căn hộ.


Nhiều người nước ngoài ở Việt Nam muốn mua nhà, căn hộ nhưng e ngại vì gặp trở ngại trong việc cấp giấy chủ quyền nhà Ảnh: TẤN THẠNH

Nhiều người nước ngoài ở Việt Nam muốn mua nhà, căn hộ nhưng e ngại vì gặp trở ngại trong việc cấp giấy chủ quyền nhà Ảnh: TẤN THẠNH

Dù bán được khá nhiều căn hộ cho người nước ngoài sau khi Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực cách đây 2 năm nhưng có nhiều người nước ngoài mua nhà muốn đứng tên mà lại e ngại vì thủ tục rườm rà. Khá nhiều người bỏ tiền ra mua nhưng phải nhờ người thân quen là người Việt đứng tên.

Ông K. – quốc tịch Malaysia, tham gia đầu tư đang hợp tác với các doanh nghiệp trong nước thực hiện một số dự án bất động sản tại Bình Dương, TP HCM – cho biết bản thân ông đã mua nhà ở Việt Nam, đồng thời cũng đã bán căn hộ cho khá nhiều người nước ngoài nhưng hầu như chưa có khách hàng nào của ông có chủ quyền. Lý do là Chính phủ chậm trễ trong việc hướng dẫn các quy định rõ ràng, cụ thể về khu vực nào cho phép người nước ngoài mua để được cấp giấy chủ quyền.

Hay như trường hợp của chị Phan Phương (đang sống ở quận 2), có chồng là người nước ngoài. Chị cho biết năm ngoái, chị và chồng muốn tìm hiểu để mua một căn hộ trả góp ở quận 2. Khi nghe nhân viên kinh doanh tư vấn, vợ chồng chị thấy thủ tục khá rườm rà, đặc biệt có việc chồng chị phải ký cam kết nếu có bất cứ tranh chấp nào xảy ra giữa 2 vợ chồng thì tài sản này thuộc về người vợ mà chồng chị thì lại muốn rõ ràng nên ngại mua.

Ông Lê Thành Phương, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký Đất đai TP – Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho biết đến thời điểm này, TP chỉ mới cấp giấy chứng nhận chủ quyền cho 536 trường hợp gồm tổ chức, người nước ngoài mua nhà. Hiện vẫn còn hàng ngàn hồ sơ nộp nhưng không được cấp giấy chứng nhận. Lý do, các hồ sơ mua bán, giao dịch sau ngày 10-12-2015 phải thực hiện theo Nghị định 99/2014/NĐ-CP, tức phải chờ ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng xem xét khu vực này có phải là nơi không cho phép người nước ngoài sở hữu nhà hay không.

Giảm hào hứng

Ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh nhà – Savills TP HCM, cho biết sau 2 năm sửa đổi Luật Nhà ở, cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, lượng sổ đỏ được cấp cho người mua nhà còn tương đối thấp so với sự quan tâm và nhu cầu của các tổ chức, cá nhân người nước ngoài. Tác nhân giới hạn số lượng này có thể kể đến quy trình cấp sổ đỏ cần được phổ biến rộng rãi hơn, thay vì tập trung ở một vài khu vực trung tâm. Việc người nước ngoài chưa nắm bắt rõ thủ tục pháp lý ở Việt Nam và công tác hành chính tại một số địa phương còn chưa quen thuộc với khách nước ngoài đều tạm gọi là những rào cản có thật trong thời điểm này.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho biết người nước ngoài chỉ háo hức được một năm sau khi luật có hiệu lực, sau đó tình hình chùng xuống bởi trở ngại lớn nhất vẫn là việc cấp chủ quyền theo đúng cam kết của chủ đầu tư. “Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến tháng 3 và 5 vừa qua, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mới có văn bản gửi các tỉnh, thành hướng dẫn các vấn đề liên quan đến khu vực quốc phòng an ninh và dự án nào người nước ngoài được mua thì coi như quá chậm trễ, khiến cho người nước ngoài đã không còn hào hứng như trước” – ông Châu nhận định.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Sở Xây dựng TP HCM cho biết đang phối hợp Bộ Tư lệnh TP HCM, Công an TP HCM để rà soát khu vực cấm và không cấm người nước ngoài sở hữu. Dự kiến trong thời gian ngắn sẽ có danh sách công bố kèm theo tên các dự án.

“Chúng tôi sẽ đăng tải thông tin trên website của Sở Xây dựng. Trước khi bán nhà ở, chủ đầu tư phải kiểm tra thông tin được bán cho người nước ngoài tỉ lệ bao nhiêu căn bộ. Tất cả phải dựa theo số lượng, tỉ lệ cho phép” – đại diện Sở Xây dựng cho biết.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP, theo quy định, nếu chủ đầu tư cố tình bán nhà cho người nước ngoài vượt quá số lượng quy định hoặc bán ở vị trí cấm cho người nước ngoài sở hữu thì giao dịch đó không có giá trị pháp lý. Cơ quan chức năng sẽ “tuýt còi” chủ đầu tư.

Đề xuất thêm “cá nhân nước ngoài” vào Luật Đất đai

Mới đây, HoREA tiếp tục có văn bản góp ý về việc Luật Đất đai năm 2013 không có quy định chủ thể sử dụng đất là “cá nhân nước ngoài”. Trong khi Luật Nhà ở 2014 đã cho phép cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua nhà trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh, được sở hữu nhà trong thời hạn tối đa không quá 50 năm và có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam, trong đó có quyền sử dụng đất ở. Do vậy, hiệp hội kiến nghị bổ sung chủ thể người sử dụng đất là “cá nhân nước ngoài” trong thời hạn được sở hữu nhà tại Việt Nam vào điều 5 Luật Đất đai 2013. Đồng thời, hiệp hội kiến nghị bổ sung một điều khoản vào mục 4 chương XI Luật Đất đai 2013 quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất là “cá nhân nước ngoài” để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Theo Sơn Nhung – Lê Phong

Người lao động