15 Th10 Bộ Xây dựng đề xuất loạt giải pháp kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, 3 ,4 ,5 ,7 Quốc hội khóa XIV.
Đáng chú ý, báo cáo nhắc tới việc thực hiện cơ cấu lại thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia. Cùng với đó, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, “thổi giá”, “làm giá” để lừa đảo, trục lợi”.
Trong dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 83/2019/QH14, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo các nhiệm vụ để kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản.
Cụ thể, Bộ Xây dựng tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu hàng hóa bất động sản cho hợp lý, huy động nguồn lực đa dạng hơn, thông tin thị trường bất động sản công khai, minh bạch hơn để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh;
Bộ Xây dựng cũng chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương khắc phục những yếu kém, tồn tại để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh trong thời gian tới.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quán triệt và tổ chức triển khai kịp thời các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản; nắm bắt tình hình diễn biến thị trường để kịp thời thực hiện các giải pháp bình ổn; lập và điều chỉnh bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương…
Về chính sách phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, Quốc hội và Chính phủ đã phê duyệt vốn ngân sách, bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội 1.262 tỷ đồng giai đoạn 2018-2020 (mới đáp ứng được 13% so với yêu cầu) để cho vay hỗ trợ nhà ở với lãi suất ưu đãi.
Tuy nhiên, trong năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội mới chỉ được giao 500 tỷ đồng, còn 04 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định vẫn chưa được bố trí nguồn vốn cấp bù cho vay.
“Do đó có nhiều dự án nhà ở xã hội không thể triển khai thực hiện do không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, trong khi nhu cầu của người thu nhập thấp vẫn rất lớn”, báo cáo nêu.
Hiện Bộ Xây dựng đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng nhà ở xã hội; sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội.
Trước đó, Bộ Xây dựng đãcó văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường bất động sản.
Theo Bộ Xây dựng, trong thời gian qua việc triển khai các quy định của pháp luật về kinh doanh BĐS đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường BĐS chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro; tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật còn xảy ra tại một số địa phương; cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường BĐS chưa đầy đủ, thiếu minh bạch; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa đáp ứng yêu cầu quy định.
Qua đó, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh BĐS và pháp luật khác có liên quan như: Doanh nghiệp triển khai việc chuyển nhượng đất đai, thực hiện quy hoạch và dự án kinh doanh BĐS trái quy định; thực hiện các dự án phân lô, bán nền trên diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở; thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý, gây ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế – xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường BĐS.
UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã được giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh;
Kiểm tra, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động của thị trường và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh BĐS và pháp luật có liên quan theo thẩm quyền. Trường hợp có dấu hiệu lừa đảo thì cần chuyển cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo các Sở, ngành chức năng triển khai các biện pháp cần thiết để ổn định thị trường BĐS; kịp thời thông tin cho các cơ quan, tổ chức, người dân nắm rõ về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đầu tư phát triển hạ tầng; các dự án BĐS đã được phê duyệt; các chủ đầu tư dự án đủ điều kiện huy động vốn theo quy định nhằm bảo đảm minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng lừa đảo, đầu cơ thổi giá BĐS để thu lợi bất chính.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát để thực hiện việc thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng các dự án kinh doanh BĐS trên địa bàn theo thẩm quyền, để có biện pháp kịp thời đối với những tổ chức, cá nhân đưa thông tin sai sự thật để trục lợi.
Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo thực hiện các nội dung nêu trên và gửi báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Bộ trước ngày 15/8/2019.
Đối với nhóm nhiệm vụ về lập quy hoạch chi tiết tại các địa phương, báo cáo cho biết, Bộ Xây dựng hiện đang chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng, đô thị bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất theo quy định của Luật Quy hoạch.
Với nhóm nhiệm vụ kiểm soát và xử lý nghiêm tình trạng chậm hoặc không triển khai quy hoạch, sai phạm trong điều chỉnh quy hoạch cục bộ và quy hoạch chi tiết”, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát, phân loại, đánh giá các quy hoạch bị điều chỉnh sai quy định, đề xuất các giải pháp khắc phục và báo cáo về Bộ Xây dựng để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, thực hiện phê duyệt các dự án, cấp phép xây dựng công trình cao tầng trong nội đô theo thẩm quyền, theo quy hoạch và kế hoạch xây dựng nhà cao tầng trong tổng thể khu vực nội đô được phê duyệt, bảo đảm đầu tư đầy đủ, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cho dự án và khu vực xung quanh.
DiaOcOnline.vn – Theo Nhịp sống kinh tế