28 Th8 Từ vụ thang máy rơi ở Quảng Ninh, làm gì để sống sót?
Khoảng hơn 18h ngày 30.5, tại công trình xây dựng văn phòng và trung tâm thương mại của Công ty TNHH Hùng Thắng Phát ở TP Móng Cái (Quảng Ninh) đã xảy ra một vụ tao nạn lao động nghiêm trọng. Theo đó, một nhóm công nhân gồm 7 người do ông Đào Thanh Sơn (53 tuổi) điều khiển máy vận thăng (thường gọi là thang máy công trình) di chuyển từ tầng 6 xuống phía dưới. Khi đến tầng 4, thang máy bất ngờ rơi tự do khiến cả nhóm 7 công nhân rơi xuống đất. Bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh thông tin, qua chẩn đoán ban đầu, các nạn nhân đều có vết thương hở, đa chấn thương, gãy đốt sống, gãy xương bả vai, xương đùi.
Các nạn nhân trong vụ tai nạn thang máy ở Quảng Ninh đang được điều trị. Ảnh NLĐ
Sự thuận tiện của thang máy là điều không cần bàn cãi. Ngày nay, kèm theo sự phát triển của các tòa cao ốc, chung cư, khách sạn.. thì thang máy là phương tiện không thể thiếu để giúp chúng ta di chuyển. Thế nhưng, mặt trái của sự thuận tiện đó là nỗi ám ảnh mang tên: Rơi thang máy.
Rơi thang máy là nỗi ám ảnh của rất nhiều người. Ảnh ST
Theo thống kê, tai nạn thang máy là vô cùng hy hữu, với tỉ lệ xảy ra tai nạn khi đi thang máy chỉ ở mức 0,00000015%. Trong đó, phần lớn các tai nạn thang máy gây tử vong và thương tích xảy ra trong quá trình lắp đặt và bảo dưỡng của công nhân, tiếp theo là những người bị kẹt ở cửa thang máy hoặc hụt chân khi thang máy dừng ở giữa hai tầng.
Nhưng chẳng may, vào một ngày nọ, bạn rơi vào 0,00000015% kia thì phải làm sao?
1. Bình tĩnh
Cố gắng giữ bình tĩnh khi thang máy gặp sự cố. Ảnh ST
Đây là yếu tố quan trọng trong khi gặp sự cố, hoảng loạn có thể khiến tăng mức thương vong. Đang ở trong thang máy mà bị ngừng đột ngột, hầu hết mọi người sẽ hoảng loạn, khóc lóc và tìm mọi cách để thoát ra ngoài. Phản ứng này trên thực tế chỉ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Do đó điều đầu tiên cần làm là giữ bình tĩnh vì việc dùng tay để mở cabin là không thể. Nhiều người lo ngại khi thang máy gặp sự cố sẽ bị ngộp vì không đủ oxy. Thực tế hiếm khi xảy ra tình trạng này.
2. Bấm chuông báo động
Bấm chuông báo động ngay khi thang máy gặp sự cố. Ảnh ST
Thực tế mọi người thường quên động tác này. Trường hợp nút báo động không kêu, hãy gọi to hoặc gõ vào thành thang máy để báo cho người ở ngoài biết.
3. Không leo ra ngoài thang máy
Ngày 26.9.2016, ông Nguyễn Lương Tr. (63 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, hành nghề xe ôm) tử vong tại tầng hầm tòa nhà Kumho, đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé. Nguyên nhân tử vong ban đầu được xác định là do ông Tr. không biết cách sử dụng thang máy hai cửa; thang máy dù đóng lại nhưng nạn nhân vẫn cố gắng cạy ra rồi lọt xuống hố có độ sâu khoảng 15 mét, rơi xuống tầng hầm.
Hình ảnh từ camera an ninh cho thấy ông Tr. đã cố gắng cạy cửa thang máy. Ảnh cắt từ clip
Bởi vậy, không leo ra ngoài thang máy, hành động này rất nguy hiểm vì nguy cơ bị kẹp giữa thang máy và sàn nhà là rất cao.
4. Không nhảy lên
Một số người cho rằng, nhảy lên gần thời điểm thang máy tiếp đất sẽ giúp chúng ta tránh được những va chạm mạnh? Câu trả lời là không! Nó chỉ đúng với thang máy rơi tự do với vận tốc thấp, khoảng cách ngắn. Còn nếu rơi từ vị trí cao hơn, theo lý thuyết, bạn phải nhảy lên cùng lúc và cùng tốc độ với thang máy trôi (khoảng 160 km/giờ) và đó là điều không tưởng. Do đó, nếu bạn nhảy lên, nguy cơ chấn thương còn cao hơn!
5. Nằm thẳng trên sàn
Nằm thẳng trên sàn là tư thế hạn chế thương tổn nhất. Ảnh ST
Theo anh Nguyễn Văn Tuấn, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tại Hà Nội , tư thế giúp hạn chế thương tổn nhất khi thang máy rơi là nằm ngửa, sát xuống sàn, càng gần vị trí trung tâm cabin thang máy càng tốt nhằm san sẻ tác động của trọng lực lên toàn cơ thể. Đồng thời dùng tay ôm đầu, che mặt để phòng gạch đá rơi xuống.
“Bất kì thang máy nào cũng có bộ phận giảm sốc đặt dưới đế. Tư thế nằm trên sàn sẽ giúp cơ thể được bộ phận giảm sốc hỗ trợ”, anh Tuấn nói.
Dũng Linh
Theo Baomoi.com