16 Th5 Kiến nghị giao quỹ bảo trì chung cư cho công ty nhà nước
Nhằm ngăn ngừa tranh chấp quỹ bảo trì chung cư, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã kiến nghị giao Công ty Dịch vụ Công ích thu, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư dưới sự giám sát của ban quản trị.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá đề xuất này là không hợp lý.
Nên lập công ty công ích quản lý quỹ bảo trì
Tại đề xuất lần này, HoREA cho rằng, Khoản (2.a) Điều 85 Luật Nhà ở quy định thời hạn bảo hành đối với chung cư tối thiểu là 60 tháng. Do đó, sau khi kết thúc thời hạn bảo hành thì chuyển sang giai đoạn thực hiện công tác bảo trì nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở và Luật Xây dựng. HoREA đề xuất nên để công ty dịch vụ công ích mà chung cư đóng trên địa bàn thu, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì dưới sự giám sát của ban quản trị.
“Phương án này có nhược điểm do cơ chế vận hành của doanh nghiệp nhà nước, nhưng có ưu điểm là thực hiện công tác bảo trì suốt vòng đời tuổi thọ của nhà chung cư. Bởi lẽ, sau khi đã hết kinh phí bảo trì, nếu không huy động được thêm kinh phí bảo trì, thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm bảo trì nhà chung cư như Nhà nước đã làm hiện nay”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết.
Về phương thức quản lý kinh phí bảo trì trước khi thành lập Ban Quản trị nhà chung cư, Hiệp hội kiến nghị người mua nhà bắt đầu đóng kinh phí bảo trì khi đã có Ban Quản trị nhà chung cư hoặc Công ty Dịch vụ Công ích thu, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư trên địa bàn.
Trong trường hợp Luật Nhà ở vẫn quy định đóng kinh phí bảo trì 2% khi nhận nhà như hiện nay, HoREA nhất trí với phương án của Bộ Xây dựng đề nghị giao cho cơ quan nhà nước tạm thời quản lý, sau khi thành lập Ban Quản trị nhà chung cư, cơ quan nhà nước sẽ bàn giao lại cho Ban Quản trị.
Một đề xuất không hợp lý
Nhiều chuyên gia bất động sản ở TP.HCM đánh giá đề xuất của HoREA là thiếu hợp lý, không có thực tế với đời sống chung cư hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc công ty Địa ốc Đất Lành TP.HCM nói rằng, tiền của cư dân thì để trực tiếp cư dân quản lý chứ không nên đề xuất đưa công ty công ích vào thu, quản lý tiền. Ông đặt ra giả thiết nếu công ty công ích phá sản thì dân biết tìm ai? Ai chịu trách nhiệm?.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Thành – Tổng giám đốc Công ty cổ phần quản lý nhà Toàn Cầu cũng nhận định đề xuất này của HoREA là không hợp lý. Bởi tiền của cư dân phải để cư dân quản lý, công ty công ích không thể thu và sử dụng được khoản tiền lớn, có khi lên đến vài nghìn tỷ được.
Theo chuyên gia này, bản thân công ty công ích không phải là ngân hàng để đứng ra thu phí bảo trì và giữ tiền, như vậy lại sai về luật. Trong khi đó, dòng tiền phí bảo trì rất lớn, từ vài trăm đến vài ngàn tỷ đồng. Nếu thực thi theo kiến nghị trên thì khi đó công ty công ích sẽ trở thành ngân hàng công ích.
Tương tự, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty Savista đánh giá việc đưa công ty công ích thu, giữ tiền và chi tiêu là khó thực hiện. Nếu có thực hiện thì công ty công ích phải được sự ủy quyền của cư dân.
“Bản thân công ty công ích là doanh nghiệp thì không thể đứng ra làm không công, trong khi Nhà nước không thể lấy ngân sách đứng ra trả được”, ông Dũng nói.
Các chuyên gia này cho rằng giải pháp thiết thực nhất để quản lý phí bảo trì chung cư là chỉ cần mở tài khoản riêng, cư dân đóng tiền vào, dưới sự giám sát của ban quản trị chung cư và bên thứ 3 nào đó. Tiền không những không mất đi mà sẽ sinh lời thêm.
Bên thứ ba này sẽ có trách nhiệm lập danh sách những hạng mục cần sửa chữa. Cư dân và ban quản trị có quyền quyết định chi tiền để sửa chữa hay không. Ưu điểm của cách làm này là không còn tập trung quyền lực vào ban quản trị chung cư, tránh xuất hiện khái niệm mới về “nghề ban quản trị” như hiện nay.
Công Hưng