13 Th8 Chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, UBND phường sẽ có trách nhiệm
Tính đến nay cả nước có khoảng 3.000 tòa nhà chung cư, trong đó tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM. Vấn đề nan giải xảy ra tại các chung cư hiện nay là tình trạng tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư diễn biến ngày càng phức tạp.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong số 215 dự án có khiếu nại, tranh chấp thì có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án. Còn lại, 107 dự án có khiếu nại, tranh chấp về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và những nội dung dân sự khác.
Nguyên nhân tranh chấp xuất phát từ chất lượng chung cư, chủ đầu tư quảng cáo quá đà, chất lượng dịch vụ không đảm bảo; phí dịch vụ cao, tranh chấp diện tích sở hữu chung – riêng, chủ đầu tư chậm bàn giao quỹ bảo trì; chủ đầu tư tự ý thay đổi công năng…
Đặc biệt, thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, trên địa bàn thành phố vẫn còn 212 chung cư chưa có ban quản trị do chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư hoặc đã tổ chức nhưng không đạt yêu cầu.
Để giải quyết hàng loạt bất cập này, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến dự thảo thông tư về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, thay thế quy chế hiện hành, trong đó bổ sung một số quy định mới. Một trong số đó là quy định về việc tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ra ban quản trị chung cư.
Theo đó, điều kiện về số lượng người tham dự cuộc họp hội nghị nhà chung cư lần đầu được quy định: Đối với hội nghị của tòa nhà chung cư phải có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao tham dự, ít hơn con số 75% của quy chế hiện hành.
Nếu không đủ số người tham dự quy định tại điểm này thì vẫn tiến hành tổ chức họp hội nghị nhà chung cư và lấy ý kiến của các chủ sở hữu không tham dự hội nghị về các nội dung quy định của Luật Nhà ở.
Việc lấy ý kiến phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản thì phải có chữ ký của những người được gửi lấy ý kiến. Khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin trong việc lấy ý kiến. Hội nghị nhà chung cư tổng hợp kết quả tại cuộc họp với việc lấy ý kiến của những người không dự họp và lập thành biên bản có chữ ký của người chủ trì cuộc họp.
Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày tổ chức cuộc họp theo quy định tại điểm này mà không đủ 50% đại diện chủ sở hữu tham gia họp và số người lấy ý kiến thì chủ đầu tư hoặc đại diện chủ sở hữu căn hộ đề nghị UBND cấp phường tổ chức hội nghị nhà chung cư theo quy định tại quy chế.
UBND cấp phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu khi nhà chung cư đã được bàn giao đưa vào sử dụng quá thời hạn 12 tháng và đã có đủ 50% số căn hộ được bàn giao theo quy định nhưng chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư và có đơn của đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao đề nghị UBND cấp phường tổ chức hội nghị.
Kinh phí tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu do UBND cấp phường tổ chức được lấy từ kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư do các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đóng góp và được đưa vào dự toán năm tiếp theo do hội nghị nhà chung cư quyết định.
Quy chế đưa ra trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn của đại diện chủ sở hữu căn hộ hoặc nhận được văn bản đề nghị của chủ đầu tư theo quy định tại Khoản 5 Điều này, UBND cấp phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu. Kết quả của hội nghị nhà chung cư lần đầu do UBND cấp phường tổ chức có giá trị áp dụng đối với các chủ sở hữu, người đang sử dụng nhà chung cư như hội nghị nhà chung cư do chủ đầu tư tổ chức.
Dự thảo quy chế mới cũng nêu rõ các nhà chung cư thuộc phạm vi áp dụng của quy chế (nhà chung cư thương mại, nhà chung cư xã hội, nhà chung cư phục vụ tái định cư, nhà chung cư cũ,nhà chung cư sử dụng làm nhà ở công vụ) đều phải có bản nội quy quản lý, sử dụng tòa nhà với nội dung theo mẫu của Bộ Xây dựng ban hành…
Tâm An