17 Th6 Bất đồng về cách gỡ rối hàng trăm chung cư có tranh chấp
Sửa luật…
Theo thống kê mới nhất của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có trên 4.400 chung cư, trong đó 458 có tranh chấp, chiếm trên 10%.
Thực tế, các tranh chấp ở chung cư chủ yếu liên quan đến: việc chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập Ban quản trị; không thống nhất đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư; chủ đầu tư không minh bạch trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì; trì hoãn việc bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị…
Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở để bổ sung 2 mô hình quản lý, vận hành nhà chung cư.
Mô hình thứ nhất là chủ đầu tư tự quản lý, vận hành nhà chung cư và tự quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư.
Mô hình thứ hai là giao cho các đơn vị quản lý, vận hành chuyên nghiệp.
Theo Bộ Xây dựng, nếu hai đề xuất này được thông qua, việc quản lý nhà chung cư sẽ đa dạng, linh hoạt hơn. Còn việc chọn mô hình nào là do cộng đồng dân cư tự quyết định và phải có sự giám sát của Ban quản trị nhà chung cư.
…hay siết khâu thực thi?
Trước kiến nghị trên, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng việc sửa đổi Luật theo hướng này thiếu hợp lý, vì các đề xuất đã được quy định trong Luật Nhà ở 2014 và Thông tư 02/2016/TT-BXD; Thông tư 28/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
Về mô hình thứ nhất, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng: “Việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở để bổ sung mô hình chủ đầu tư tự thực hiện quản lý, vận hành nhà chung cư sẽ vi phạm nguyên tắc dân chủ cơ sở, có thể dẫn đến xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư và các chủ sở hữu chung cư”.
Ông Châu cho rằng: “Đại diện chủ đầu tư chỉ có thể tham gia quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư nếu được Hội nghị nhà chung cư tín nhiệm bầu vào Ban quản trị, hoặc Trưởng ban, Phó trưởng ban quản trị”.
Do đó theo ông Châu, thay vì sửa Luật, chúng ta nên chú trọng hơn khâu thực thi pháp luật nhà ở với những chủ đầu tư tham gia ứng tuyển làm đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư.
Về mô hình thứ 2, Hiệp hội BĐS TP.HCM nhận thấy giao việc quản lý, vận hành chung cư cho các đơn vị quản lý, vận hành chuyên nghiệp là không hợp lý. Vì Khoản (3.d) Điều 102 Luật Nhà ở quy định Hội nghị nhà chung cư sẽ quyết định lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư.
Ông Lê Hoàng Châu nhận định: Vấn đề quan trọng cần đặt ra là khâu thực thi pháp luật nhà ở đối với những đơn vị được chọn quản lý vận hành chung cư như thế nào, đặc biệt là sau vụ cháy chung cư Carina Plaza gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
“Cần thiết nhất là xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở theo hướng yêu cầu doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư phải chứng minh năng lực tài chính, để có thể thực hiện trách nhiệm bồi thường dân sự đối với bên thứ ba trong trường hợp xảy ra sự cố gây thiệt hại về người và tài sản”, ông Châu đề xuất.