17 Th8 Kết quả kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh
(Xây dựng) – Bộ Xây dựng đã có thông báo kết quả kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn gửi UBND TP Hồ Chí Minh
Cụ thể, thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về nhà ở, căn cứ kế hoạch 1625/QĐ-BXD ngày 27/12/2018 của Bộ Xây dựng và kế hoạch số 2074/KH-UBPL14 ngày 20/02/2019 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Xây dựng đã thành lập Đoàn kiểm tra công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (tại Quyết định số 103/QĐ-BXD ngày 20/02/2019).
Ngày 20/02/2019, Bộ Xây dựng có Văn bản số 303/BXD-QLN gửi UBND TP Hồ Chí Minh về việc kiểm tra công tác quản lý, vận hành sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Từ ngày 26/3/2019 đến ngày 29/3/2019, Đoàn kiểm tra đã thực hiện việc kiểm tra công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư tại 5 quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh.
Ngày 23/4/2019, UBND TP Hồ Chí Minh có báo cáo số 56/BC-UBND về tình hình quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở các báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh và kết quả làm việc thực tế của Đoàn kiểm tra, Bộ Xây dựng thông báo kết quả kiểm tra cụ thể gửi UBND TP Hồ Chí Minh.
Công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về quản lý vận hành, sử dụng nhà chung cư
Về công tác chỉ đạo, ban hành văn bản theo thẩm quyền, căn cứ quy định tại Điều 85 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ, Điều 47 của Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ Xây dựng, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 11/2018/QĐ-UBND ngày 31/3/2018 về việc ban hành khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư trên địa bàn.
UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh thành lập Tổ công tác và Tổ giúp việc Tổ công tác tham mưu xử lý các vấn đề mâu thuẫn, phát sinh trong quá trình quản lý, vận hành tại các nhà chung cư trên địa bàn thành phố (Quyết định số 476/QĐ-SXD-TCCB ngày 26/4/2017).
Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh có Công văn số 230/UBND-ĐT ngày 19/01/2019 triển khai thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 09/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư. Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh giao các Sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện việc tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Trong quá trình triển khai thực hiện, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh ban hành một số văn bản hướng dẫn UBND các quận, huyện, chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư, Ban Quản trị nhà chung cư, cư dân thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Tại các quận, huyện mà Đoàn kiểm tra của Bộ Xây dựng đến làm việc thì các cơ quan có thẩm quyền của hầu hết quận, huyện đều quan tâm đến công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn. Cụ thể: Chủ động tổ chức tuyên truyền quán triệt các quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư đến tất cả các đối tượng, tuyên truyền vận động người dân, nâng cao ý thức, nhận thức của cộng đồng dân cư trong nhà chung cư; Hàng năm đều xây dựng chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra công tác quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn, sau khi kiểm tra, thanh tra đều báo cáo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh và UBND TP Hồ Chí Minh về tình hình thực hiện cũng như các khó khăn, vướng mắc; UBND cấp phường theo dõi, kiểm tra, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư, tổ chức hội nghị nhà chung cư và tham dự cuộc họp hội nghị nhà chung cư theo quy định…
Về công tác tổ chức thực hiện, cụ thể là công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thì UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý vận hành nhà chung cư.
Tháng 4/2016, UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị triển khai Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ Xây dựng đến các Sở, ban, ngành, quận, huyện của thành phố, các chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư, Ban Quản trị nhà chung cư.
Tiếp tục chỉ đạo Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 2205/KH-SNV ngày 26/6/2016, về tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật liên quan đến công tác quản lý, vận hành nhà chung cư cho các đối tượng là cán bộ, công chức của phòng Quản lý đô thị và phòng Tài nguyên – Môi trường các quận, huyện, phường, xã, thị trấn, những người trực tiếp tham gia phụ trách công tác quản lý, vận hành nhà chung cư. Theo đó, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã chủ trì tổ chức 4 lớp về bồi dưỡng kiến thức pháp luật liên quan đến công tác quản lý vận hành nhà chung cư cho 153 học viên.
UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh: Phối hợp với UBND quận 3 và quận Bình Tân tổ chức Hội nghị tập huấn liên quan đến Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD cho các đối tượng là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các phường, các cán bộ, công chức của phòng Quản lý đô thị và Phòng Tài nguyên – Môi trường; Phối hợp với UBND các quận 2, 7, 8, Tân Bình tổ chức Ngày hội nhà chung cư. Thông qua Ngày hội nhà chung cư là dịp để giúp cho Ban quản trị nhà chung cư, những người dân đang sinh sống tại các tòa nhà chung cư nắm vững các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình thực hiện công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Đồng thời, UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị đánh giá toàn diện công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố. Qua Hội nghị, chỉ ra được những nguyên nhân dẫn đến tình hình tranh chấp, khiếu nại về công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố, xác định trách nhiệm giải quyết tranh chấp của từng Sở, ngành và UBND các quận – huyện; đề ra giải pháp thực hiện cũng như kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật còn thiếu, chồng chéo, bất cập trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư để cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Về công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, căn cứ theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh và Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh thì trên địa bàn có 106 nhà chung cư xảy ra các tranh chấp, khiếu nại; UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan và UBND quận, huyện giải quyết 62 chung cư, còn lại 44 chung cư đang giải quyết.
Trong năm 2018, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh nhận được đơn phản ánh của 31 Ban quản trị nhà chung cư liên quan đến việc chủ đầu tư không bàn giao, bàn giao không đầy đủ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư. Vì vậy, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với 6 chủ đầu tư do có hành vi vi phạm trong việc bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư gồm các chung cư New Town, New Sài Gòn, Hưng Ngân, Hoàng Anh River View, Trung Đông, Phú Hoàng Anh và Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng đang trình UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư của chung cư Full House do có hành vi nêu trên.
Kết quả triển khai thực hiện pháp luật trong quản lý, sử dụng vận hành nhà chung cư
Theo báo cáo số 56/BC-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh và báo cáo số 3193/BC-SXD-QLN&CS của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh thì trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có: 474 nhà chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975; 820 khối nhà chung cư được xây dựng từ sau năm 1975 đến trước ngày 01/7/2015; 47 khối nhà chung cư được xây dựng sau ngày 01/7/2015.
Về kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư, theo báo cáo thì các nhà chung cư cũ đã trải qua quá trình sử dụng khoảng 30 năm, không được bảo trì đúng mức, nên các chung cư đang trong giai đoạn xuống cấp, tình trạng các cấu kiện, liên kết đang trong quá trình lão hóa dẫn đến chất lượng của các chung cư này giảm dần. Do vậy, UBND các quận, huyện của thành phố đã tổ chức kiểm định, đánh giá chất lượng các nhà chung cư đối với 474 nhà chung cư cũ được xây dựng trước 1975. Theo đó, có 15/474 (chiếm 3,2%) nhà chung cư đánh giá chất lượng cấp D và 115/474 (chiếm 24,3%) nhà chung cư đánh giá chất lượng cấp C.
Về quản lý vận hành nhà chung cư, theo báo cáo số 56/BC-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh thì trên địa bàn có 1.341 nhà chung cư tương ứng với 1.440 khối nhà chung cư. Tổng hợp số liệu cho thấy công tác quản lý vận hành nhà chung cư trên địa bàn hiện nay đang được quản lý vận hành an toàn, ổn định, không xảy ra các tranh chấp, khiếu nại với 1.334/1.440 chung cư (chiếm 92,6%).
Theo báo cáo tại thì việc quản lý vận hành nhà chung cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh do nhiều tổ chức thực hiện. Theo đó, 223 chung cư có mô hình tự quản, 151 chung cư không có đơn vị quản lý vận hành, 173 chung cư do chủ đầu tư trực tiếp thực hiện quản lý vận hành, 225 chung cư do đơn vị quản lý vận hành thực hiện, 64 chung cư do Ban quản trị thực hiện quản lý vận hành, 157 chung cư do Tổ dân phố thực hiện quản lý vận hành và 85 chung cư do UBND quận, phường quản lý vận hành.
Vì vậy, Bộ Xây dựng ghi nhận một số kiến nghị của UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng như một số quận, huyện để báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi xem xét, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như: Xem xét lại quy định về việc đóng kinh phí bảo trì 2% nói chung và quy định về việc đóng kinh phí bảo trì 2% đối với nơi để xe thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư; Quy định về chế tài xử phạt đối với việc chủ đầu tư nhà chung cư (chủ sở hữu) không nộp kinh phí bảo trì 2% đối với phần diện tích thuộc sở hữu riêng; Xử lý việc cưỡng chế chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho Ban quản trị theo pháp luật về tố tụng dân sự; Một số vi phạm trong công tác quản lý sử dụng chung cư nhưng chưa có biện pháp chế tài, xử lý cụ thể, nghiên cứu lại chế tài xử phạt Ban quản trị cho phù hợp với tình hình thực tế; Bổ sung quy định về nguồn kinh phí khi UBND phường đứng ra tổ chức Hội nghị nhà chung cư; Giảm tỷ lệ người tham dự cuộc họp hội nghị nhà chung cư; Bổ sung hình thức họp hội nghị nhà chung cư: Trực tuyến, họp thông qua phiếu lấy ý kiến; Quy định thành phần hồ sơ khi bàn giao nhà chung cư; quy định rõ cách lập và bàn giao tài khoản kinh phí bảo trì 2%; Quy định cụ thể tỷ lệ nhất trí về việc chi tiêu kinh phí bảo trì 2% cho phù hợp với thực tế; Bổ sung cách tính diện tích lô gia, hộp kỹ thuật; Bổ sung thành phần nghiệm thu khi đưa công trình vào sử dụng…
Một số tồn tại trong quản lý, sử dụng vận hành nhà chung cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh
Sự chủ động vào cuộc của các cấp chính quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư chưa cao, có nơi còn chưa thực sự quan tâm đúng mức. TP Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều chung cư với lịch sử phát triển qua nhiều thời kỳ luật pháp, mỗi thời kỳ có những quy định về công tác quản lý, vận hành nhà chung cư khác nhau. Tuy nhiên, việc phân loại chung cư để quản lý còn nhiều bất cập dẫn đến việc quản lý, vận hành nhà chung cư được giao cho nhiều đơn vị tổ chức không đúng quy định. Hiện nay, vẫn còn 44 tranh chấp, khiếu nại trên địa bàn liên quan đến công tác quản lý, vận hành nhà chung cư.
Một số UBND các quận, huyện chưa thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật; chưa quyết liệt chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn (nơi có nhà chung cư) trong việc đôn đốc các chủ đầu tư tổ chức Hội nghị nhà chung cư để thành lập Ban quản trị và đứng ra tổ chức hội nghị nhà chung cư khi chủ đầu tư không tổ chức Hội nghị nhà chung cư hoặc tổ chức Hội nghị nhà chung cư không thành công, dẫn đến trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn 212 nhà chung cư chưa có Ban quản trị.
Hơn nữa, một số chính quyền địa phương chưa sát sao đôn đốc các chủ đầu tư bàn giao hồ sơ, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, nhà sinh hoạt cộng đồng, quy trình bảo trì tòa nhà, công tác PCCC… của nhà chung cư cho Ban quản trị.
Việc xử lý các tranh chấp phát sinh trong quản lý nhà chung cư còn chậm, hiệu quả chưa cao do các cấp chính quyền cơ sở, các Sở, ngành chưa vào cuộc hoặc vào cuộc nhưng không đạt yêu cầu, chưa xử lý, giải quyết dứt điểm những vụ việc thuộc thẩm quyền.
Đến nay trên địa bàn còn 6 nhà chung cư mà chủ đầu tư không tổ chức hoặc chậm tổ chức Hội nghị của nhà chung cư lần đầu hoặc tổ chức nhưng không đủ số lượng chủ sở hữu, người sử dụng tham gia.
Ngoài ra, trên địa bàn vẫn còn 10 nhà chung cư chưa xác định được phần sở hữu chung, phần sở hữu riêng, nhà để xe tầng hầm, các diện tích kinh doanh cho thuê, phòng sinh hoạt cộng đồng sử dụng sai công năng, xác định diện tích căn hộ…
Đặc biệt, vẫn còn một số tranh chấp về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư (09 chung cư chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho Ban quản trị, 2 chung cư có chủ đầu tư không nộp kinh phí bảo trì đối với phần diện tích thuộc sở hữu riêng, 1 chung cư chủ đầu tư chiếm dụng kinh phí bảo trì để sử dụng vào mục đích khác, 3 chung cư có chủ đầu tư không thống nhất được số liệu quyết toán để xác định kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư phải bàn giao cho Ban quản trị; Chủ đầu tư không gửi kinh phí bảo trì vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm mở tại tổ chức tín dụng theo quy định; Chủ đầu tư hoặc Ban quản trị không lưu giữ đầy đủ hồ sơ quản lý, sổ sách thu chi tài chính, chứng từ thanh toán, tự ý ký hợp đồng bảo trì với các đơn vị mà không thông qua hội nghị cư dân).
Các chung cư thuộc sở hữu nhà nước còn nhiều vướng mắc liên quan đến kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, kinh phí quản lý, vận hành. Công tác PCCC chưa chủ động, vẫn còn thiết xót, nguy cơ cháy tiềm ẩn tại các chung cư cũ, chung cư cao tầng. Đã xảy ra một vài vụ cháy chung cư gây hậu quả nghiêm trọng cả về người và tài sản.
Công tác đôn đốc, kiểm tra, thanh tra các chủ đầu tư, các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, chưa đáp ứng. Việc xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư chưa kịp thời, chưa triệt để.
Cuối cùng, còn một số tồn tại liên quan đến chất lượng công trình không đảm bảo (chủ đầu tư chưa nghiệm thu hoàn thành công trình, chưa nghiệm thu hệ thống PCCC đã bàn giao cho người dân vào sử dụng, chủ đầu tư phân chia, chuyển đổi phần sở hữu chung, chủ đầu tư tự ý thay đổi công năng của công trình, xây dựng không đúng với quy hoạch và giấy phép xây dựng được cấp…), cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư, phí gửi xe, việc sử dụng kinh phí quản lý, vận hành chung cư.
Kiến nghị của Bộ Xây dựng
Để tăng cường công tác quản lý vận hành sử dụng nhà chung cư trên địa bàn, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng của thành phố khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 29/2018/CT-TTg cũng như tập trung thực hiện một số nội dung như: Lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục các hạn chế, tồn tại đã nêu và thực hiện nghiêm túc pháp luật liên quan tới công tác quản lý, vận hành chung cư. Thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình và số liệu về quản lý, sử dụng nhà chung cư, đặc biệt là cần phải rà soát, phân loại các hình thức, dự án nhà chung cư theo thời điểm xây dựng, bàn giao, quy mô, mô hình quản lý, thực trạng quản lý của từng nhà chung cư. Từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch để quản lý vận hành nhà chung cư đúng quy định trong thời gian tới; bên cạnh đó cần cập nhật số liệu liên quan đến kinh phí bảo trì (phân loại số liệu theo thời gian trước và sau khi có Luật Nhà ở 2014).
Tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư cho từng nhóm đối tượng trên địa bàn thành phố (chính quyền cấp quận, huyện, phường, xã, chủ đầu tư, Ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành, chủ sở hữu, người sử dụng). Có hình thức khen thưởng xứng đáng để động viên kịp thời đối với các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân có liên quan làm tốt công tác liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư cũng như phê bình nghiêm khắc các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân làm chưa tốt công tác này. Có tổng kết, đánh giá để xem xét nhân rộng việc tổ chức Ngày hội nhà chung cư như Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với UBND các quận 2, 7, 8, Tân Bình.
Tiếp tục chỉ đạo Sở Xây dựng, các quận, huyện đôn đốc các chủ đầu tư dự án trên địa bàn chưa tổ chức Hội nghị nhà chung cư thì khẩn trương tổ chức Hội nghị nhà chung cư theo quy định để bầu Ban quản trị, bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung 2% cho Ban quản trị.
Đồng thời, UBND thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn. Trong đó cần tập trung xem xét, giải quyết đối với các chung cư đang có tranh chấp như: Cao ốc căn hộ – thương mại Tản Đà, Chung cư Vườn Hồng Ngọc phường 15 quận Tân Bình; Chung cư The Harmona số 33 Trương Công Định, phường 14, quận Tân Bình; Chung cư Phúc Yên 2, Chung cư Bảy Hiền Tower số 9 Phạm Phú Thứ, phường 11 quận Tân Bình; Chung cư Thanh Yến, Chung cư The Morning Star…
Riêng đối với một số chung cư thuộc sở hữu Nhà nước mà không có kinh phí bảo trì hiện nay đã xuống cấp thì đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan có liên quan: Sở Xây dựng, Sở Tài chính… xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn vốn để bảo trì các chung cư này.
Chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật; nhà chung cư chưa nghiệm thu hoàn thành công trình và biên bản nghiệm thu PCCC đã bàn giao đưa vào sử dụng.
Và chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư theo quy định của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ và các pháp luật có liên quan như các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Nhà ở 2014, không bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, không bàn giao hồ sơ nhà chung cư cho ban quản trị nhà chung cư.
UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và rà soát các chung cư có nguy cơ cháy cao trên địa bàn. Kịp thời phát hiện chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm không đúng quy định về PCCC gây mất an toàn về PCCC của nhà chung cư. Xử lý nghiêm các vi phạm các quy định về PCCC cũng như việc thực hiện thẩm định, nghiệm thu về PCCC. Bảo đảm các điều kiện về an toàn PCCC, khẩn trương thực hiện việc đầu tư sủa chữa, cải tạo, nâng cấp lắp mới hệ thống PCCC tại các khu nhà chung cư tái định cư.
Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các quận, huyện khẩn trương giải quyết việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho cư dân tại các dự án có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận.
Cuối cùng, Sở Xây dựng phải báo cáo Bộ Xây dựng theo quy định tại Khoản 2, Điều 47 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD về tình hình thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh theo định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc đột xuất.
Ánh Dương