06 Th6 Đi tìm tiếng nói đồng thuận ở chung cư
Việc tìm tiếng nói đồng thuận trong quản lý vận hành nhà chung cư chưa bao giờ dừng lại, bởi các tranh chấp về sở hữu chung – riêng, chuyện độc quyền áp giá dịch vụ, các thiết bị chung cư… diễn ra không ngừng…
Rắc rối ở chung cư
Được bàn giao vào cuối năm 2018, chung cư P.A với hơn 1.000 căn hộ tại quận 9 TP.HCM đang đứng trước viễn cảnh bùng phát tranh chấp, bởi dự án mới được bàn giao, chưa có ban quản trị, việc quản lý tòa nhà vẫn thuộc chủ đầu tư thông qua ký kết hợp tác cùng một công ty quản lý vận hành.
Xích mích bắt nguồn từ việc giá giữ xe mà công ty vận hành đưa ra quá cao so với mặt bằng chung, cư dân phản ánh với chủ đầu tư, nhưng không nhận được tiếng nói đồng thuận giữa các bên. Cư dân tiến hành lập ban quản trị lâm thời, đề nghị công ty vận hành giảm giá giữ xe, nếu không sẽ buộc công ty phải chấm dứt hợp đồng và thuê đơn vị khác. Song chủ đầu tư mới là đơn vị thuê công ty vận hành, nên cư dân không có quyền chấm dứt hợp đồng với công ty này và tranh chấp dần lớn lên.
Tại một chung cư khác trên đường Hồng Hà, quận Tân Bình, TP.HCM, trước khi bàn giao căn hộ cho cư dân, chủ đầu tư ký kết sử dụng độc quyền mạng truyền hình cáp và Internet của VNPT cho tất cả các căn hộ. Dù không hài lòng với chất lượng dịch vụ của đơn vị này, nhưng nhiều người dân không thể chuyển sang lắp đặt mạng khác. Vậy là những tranh luận bắt đầu diễn ra và có nguy cơ bùng phát nếu không được giải quyết.
Một câu chuyện mới xảy sinh ở chung cư là xuất hiện đối tượng tìm cách vào ban quản trị nhà chung cư để trục lợi. Tại chung cư S.G.R quận Bình Thạnh, trước khi được bàn giao, đã có một người lập group trên Facebook tập hợp cư dân và tìm cách lấy lòng tin của họ. Tới lúc bầu Ban quản trị, người này vận động cư dân bầu mình vào Ban quản trị, rồi tìm cách đưa công ty “sân sau” vào Ban quản trị để được miễn phí quản lý và vận hành tòa nhà, được hưởng khoản chiết khấu lên tới hàng chục triệu đồng…
Tại chung cư H.L.C.L (quận 6), Ban quản trị cho biết, khi đưa vào hoạt động chung cư, chủ đầu tư và toàn bộ cư dân đã thống nhất nguyên tắc của việc đăng ký gửi xe ô tô là ai đăng ký trước thì có chỗ đậu xe, ai đăng ký sau sẽ phải đậu bên ngoài. Từ cuối năm 2018, vài hộ dân tới thuê căn hộ tại đây có ô tô, nhưng chậm đăng ký chỗ giữ xe, nên phải đậu ở khu đường phòng cháy chữa cháy.
Khi cơ quan chức năng xuống kiểm tra hệ thống phòng cháy chữa cháy, đã đề nghị Ban quản trị không cho cư dân để xe ở vị trí đó nữa. Không có chỗ để xe, các hộ dân này bức xúc, tổ chức biểu tình, treo băng rôn và để xe ở cổng vào chung cư để phản đối, khiến việc ra vào chung cư của các cư dân khác gặp khó khăn…
Đi tìm tiếng nói chung
Bà Vũ Ngọc Hương, Tổng giám đốc Công ty Venus, doanh nghiệp chuyên quản lý vận hành các tòa nhà chung cư, văn phòng cho rằng, tất cả những khúc mắc tại chung cư đều có thể giải quyết, miễn sao các bên ngồi lại, lắng nghe nhau và bớt đi chút quyền lợi riêng để tìm tới cái chung.
“Với 15 năm hoạt động trong lĩnh vực quản lý tòa nhà chung cư, điều tôi rút ra khi xử lý các vấn đề phát sinh của cư dân là phải biết lắng nghe và xử lý ngay các vấn đề mà cư dân cảm thấy bất ổn. Đơn cử, nếu cư dân phản ứng về phí giữ xe cao, tôi sẽ tìm hiểu và tìm cách giải thích nếu phí giữ xe không thật sự cao, còn nếu cao hơn so với chi phí hoạt động của ban quản trị thì có thể điều tiết lại cho cư dân. Ở chung cư cần sự đồng thuận, tránh đối đầu, thì chuyện gì cũng giải quyết được”, bà Hương nói.
Còn ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông Group cho rằng, không phải khi xây xong một căn chung cư và bàn giao cho khách hàng là chủ đầu tư hết trách nhiệm. Lúc đó mới đến phần trách nhiệm hậu mãi, lắng nghe cư dân của chủ đầu tư vì cư dân là người tin tưởng chọn mua sản phẩm của mình.