27 Th3 Cháy cao ốc: chạy xuống hay chạy ngược lên trên mới an toàn?
Nhiều người vẫn còn mơ hồ trong khâu xử lí tình huống khi gặp hỏa hoạn trong cao ốc.
Ngày nay, đa số các đô thị, thành phố lớn đều chuyển dần sang xu hướng sinh sống và làm việc trong các cao ốc. Vậy nếu không may xảy ra hỏa hoạn lớn trong những khu nhà này, phải thoát thân theo cách nào mới đảm bảo an toàn tính mạng?
Phải xử trí thế nào nếu bị mắc kẹt trong một đám cháy tòa nhà cao ốc? (Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)
Khi có đám cháy trong cao ốc, việc bạn phải ưu tiên làm ngay chính là tìm đến cửa thoát hiểm và chạy xuống dưới (tuyệt đối không được sử dụng thang máy ngay cả khi tầng bạn đang đứng không cháy). Nếu phát hiện thấy khói của đám cháy đã lan khắp tòa nhà, hãy hạ thấp người và chạy xuống. Đặc biệt, việc chạy ngược lên tầng trên là hoàn toàn sai, bởi đường thông lên sân thượng thường bị khóa cứng.
Hãy chạy xuống nếu gặp đám cháy trong tòa nhà cao ốc. (Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)
Một trường hợp khá nan giải và dễ làm nhiều người rối trí chính là vừa chạy xuống đến tầng 10 thì phát hiện cháy ở tầng 9. Trong trường hợp này, đừng bao giờ cố gắng vượt qua đám cháy, vì nhiệt độ vùng cháy có thể lên đến 1000 độ, bước vào thì sẽ bị thiêu ngay. Cá biệt trong trường hợp này, bạn nên… chạy ngược lại lên tầng 12 hoặc 13, tìm một căn phòng phù hợp và đợi cứu hỏa đến.
Vì sao phải tìm một căn phòng thích hợp và đợi trong khi lửa lan ngày một nhanh? Căn phòng nào mới gọi là “thích hợp” trong lúc này?
Hãy tránh xa nhà vệ sinh, vì trong cơn hỏa hoạn, nguyên nhân thiệt mạng không phải là do chết cháy mà do chết ngạt. Chính lối thiết kế kín đặc trưng, không có cửa sổ của nhà vệ sinh sẽ “góp phần” giết chết các nạn nhân vốn đang hoảng loạn nhanh hơn.
Tuyệt đối không trốn trong nhà vệ sinh khi hỏa hoạn xảy ra. (Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)
Thay vào đó, hãy tập trung tại sảnh của tầng trên đó để nhân viên cứu hộ dễ giúp đỡ. Phòng này phải có cửa sổ và không có lưới bảo vệ (dễ dàng trong việc đưa người ra ngoài thoát hiểm, tránh mất thời gian do gây cản trở). Khi tìm được sảnh đủ thông thoáng, hãy nhớ làm ba động tác sau: thứ nhất, đóng cửa lớn của gian phòng; thứ hai, bịt kín các lỗ thông gió và cuối cùng là đóng tất cả các cửa sổ trong phòng.
Bạn có thể lo lắng các cánh cửa được làm bằng thủy tinh công nghiệp sẽ khó làm vỡ. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của kính thủy tinh công nghiệp nằm ở 4 góc, chỉ cần có dụng cụ sắc nhọn là có thể đục được.
Dùng khăn ướt che mắt và mũi trong khi đợi đội cứu hỏa đến giải cứu. (Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)
Còn việc “nhảy đại” xuống thoát thân thì sao? Bạn nên nhớ một điều rằng, dẫu ở nhà hay văn phòng, chỉ cần từ tầng 3 trở đi, là một độ cao đủ để gây tử vong, tuyệt đối không được nhảy. Vì đã có không ít trường hợp liều nhảy như vậy và đã chết oan uổng.
Ngay khi tin tức này được lan truyền trên mạng, đã có những ý kiến sau
Tiếp theo là làm gì trong phòng đợi? Tất nhiên không phải là ngồi nơm nớp… chờ chết rồi! Đầu tiên, tránh kêu cứu lớn tiếng vì chẳng khác nào bạn đang phí phạm dưỡng khí, hơn nữa, việc này sẽ vô tình nạp thêm nhiều khí oxit cacbon và khí ni-tơ vào cơ thể, làm bạn nhanh chóng yếu đi mà thôi.
Thứ hai, nếu hỏa hoạn xảy ra vào ban ngày, hãy nhanh trí lấy một chiếc váy hoặc tấm vải màu sắc bắt mắt và treo ra ngoài cửa sổ ở vị trí dễ nhìn thấy nhất nhằm thu hút sự chú ý của người ở bên ngoài. Nếu là buổi tối, hãy sử dụng đèn pin hoặc ứng dụng đèn pin trong smartphone. Nếu quá xui xẻo không có đèn pin, không nên dùng bật lửa, bởi một đốm lửa khó thể gây sự chú ý, hơn nữa lại có thể kích thích phát nổ gas trong phòng.
Sử dụng đèn flash của smartphone để ra hiệu nếu kẹt trong đám cháy vào ban đêm. (Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)
Thứ ba, hãy dùng một chiếc khăn, dấp nước cho ướt và che mắt, mũi. Việc này sẽ giúp kéo dài sức chịu đựng trong lúc đợi nhân viên cứu hỏa đến cứu.
Cuối cùng, tốt nhất là hãy học cách sử dụng bình chữa cháy ngay từ bây giờ, vì chuyện này không hề thừa đâu! Học cách phân biệt bình chữa cháy bột khô hay bình băng khô, vì chỉ có bình bột khô mới được dùng để phun lên cơ thể người, còn bình băng khô dễ gây ra kích ứng đột ngột cho cơ thể.
Học cách sử dụng bình chữa cháy ngay hôm nay. (Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)
Theo thethaovanhoa.vn