31 Th10 Công tác quản lý nhà chung cư tại TP HCM còn nhiều bất cập
Tại phiên họp giải trình của Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh sáng 28/10, những bất cập liên quan đến công tác quản lý nhà chung cư tại thành phố đã được nhiều đại biểu đề cập.
Tính đến thời điểm hiện tại, TP. Hồ Chí Minh có tổng cộng 935 tòa nhà chung cư với trên 141 ngàn căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng gần 11 triệu mét vuông. Như vậy, nhà chung cư chiếm tỷ lệ 8,4 % trong tổng số nhà ở trên toàn thành phố và đang có xu hướng tăng dần.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ căn hộ nhà chung cư hiện chiếm gần 25% trong tổng số nhà xây mới của thành phố. Tỷ lệ này trước đây chỉ từ 3-10%. Không chỉ tập trung tại các quận như: quận 5, quận 1, quận 10, hay Bình Thạnh như trước kia, hiện nay các dự án chung cư tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại các nơi như quận 7, quận 2, Thủ Đức, Tân Phú và 2 huyện ngoại thành là Bình Chánh và Nhà Bè.
Thực trạng chất lượng nhà chung cư tại thành phố được phân theo 3 nhóm: xây dựng trước năm 1975, xây dựng sau năm 1975 đến năm 2005 và xây dựng từ sau năm 2005 đến nay. Trong đó, rất nhiều chung cư cũ đã xuống cấp trầm trọng, cần được xây mới để đảm bảo an toàn cho người dân.
Quy trình xây dựng còn nhiều bất cập cộng với quá trình bảo dưỡng, bảo trì chưa đạt chuẩn khiến nhiều chung cư xây dựng chưa lâu đã có dấu hiệu xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Tình hình quản lý, sử dụng nhà chung cư cũng còn nhiều hạn chế khiến phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp trong suốt thời gian qua.
Là địa phương tập trung nhiều khu chung cư nên hiện nay quận Tân Phú khá đau đầu trong việc giải quyết các vướng mắc còn tồn tại. Theo ông Phạm Minh Mẫn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, toàn quận có 69 lô chung cư nhưng có tới 17 chung cư chưa cấp giấy. Trong số này chỉ 7 chung cư còn trong thời hạn cho phép, 10 chung cư còn lại rất khó giải quyết cấp giấy do gặp phải nhiều vấn đề tranh chấp, sai phạm. Nhiều trường hợp quận muốn chủ động cũng không được.
Ông Phạm Minh Mẫn phân tích lý do: Có trường hợp là nợ tiền sử dụng đất, vướng thủ tục cấp giấy chứng nhận liên quan đến thủ tục bản vẽ khác với hiện trạng mua bán. Ngoài ra còn do công trình đó chưa được nghiệm thu. Còn có trường hợp vướng mắc do thế chấp ngân hàng.
Không riêng gì Tân Phú mà tại các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố, vấn đề cấp phép, quản lý nhà chung cư vẫn còn không ít khó khăn. Tuy nhiên, với vai trò chủ trì phiên họp giải trình, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho rằng, khó khăn, vướng mắc là điều ai cũng thấy nhưng làm sao để giải quyết vấn đề mới là điều cần được xoáy sâu. Quan trọng hơn là phải truy trách nhiệm đến từng cá nhân, đơn vị trong mỗi vụ vướng mắc.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết, trước những thực trạng còn tồn tại trong việc xây dựng, quản lý và sử dụng nhà chung cư hiện nay, thời gian tới Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các bên liên quan để tháo gỡ nhiều vấn đề. Trong đó tập trung nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng nhà chung cư. Trách nhiệm của từng đơn vị liên quan sẽ được xác định rõ với mong muốn khắc phục tốt những hạn chế, bất cập đối với nhà chung cư.
Cùng với đó, ông Tuấn cho hay, Sở sẽ tiếp tục thực hiện chương trình cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ, đảm bảo thực hiện chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị của thành phố. Đồng thời tiếp tục giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong quản lý, vận hành nhà chung cư.
Cùng với đó, ngành xây dựng thành phố cũng kiến nghị thay đổi, bổ sung nhiều luật, nghị định để có các biện pháp chế tài mạnh hơn cũng như quy định chức năng, quyền hạn hợp lý hơn cho các đơn vị liên quan đến công tác quản lý nhà chung cư trên địa bàn./.