12 Th8 Tranh chấp quỹ bảo trì, không thể bỏ mặc người dân
Những năm gần đây, việc tranh chấp quỹ bảo trì nhà chung cư (2% tổng giá trị căn hộ) liên tiếp diễn ra. Trước thực tế này, Bộ Xây dựng vừa yêu cầu các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý.
Nhiều chủ đầu tư cố tình chây ỳ trong việc bàn giao quỹ bảo trì tòa nhà cho các Ban quản trị
Dù việc thu và sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư đã được quy định trong luật, tuy nhiên những tranh chấp vẫn liên tiếp diễn ra khi chủ đầu tư chây ỳ không trả cho Ban quản trị chung cư. Cư dân và Ban quản trị nhiều tòa chung cư đã phải áp dụng hàng loạt biện pháp nhằm gây áp lực với chủ đầu tư như căng băng rôn, khẩu hiệu phản đối hay thậm chí là kiện ra tòa để đòi lại số tiền quỹ bảo trì.
Bức xúc vì chủ đầu tư “ỉm” quỹ bảo trì
Điển hình trong câu chuyện tranh chấp phí bảo trì có thể kể đến là trường hợp tại tòa nhà Keangnam (Nam Từ Liêm, Hà Nội) bởi số tiền bảo trì lên đến 160 tỷ đồng. Có thời điểm, cư dân sinh sống tại tòa nhà này lo lắng do thông tin tập đoàn Keangnam tại Hàn Quốc đứng trước nguy cơ phá sản đã rao bán tòa nhà và số tiền trong quỹ bảo trì có nguy cơ mất trắng. Đơn kêu cứu nhiều lần được cư dân và Ban quản trị tòa nhà gửi lên Chính phủ. Sau nhiều năm đấu tranh, cuối cùng số tiền này cũng đã được bàn giao.
Đại diện Ban quản trị toà nhà Keangnam cho biết, rõ ràng theo quy định thì chủ đầu tư phải chuyển số tiền quỹ bảo trì vào tài khoản của Ban quản trị tòa nhà ngay sau khi ban này được thành lập. Tuy nhiên, phải mất nhiều năm đấu tranh thì chủ đầu tư mới trả hết số tiền này, việc chuyển tiền cũng diễn ra theo kiểu nhỏ giọt thay vì chuyển ngay.
Dù khá gian nan trong việc đòi quỹ bảo trì từ phía chủ đầu tư nhưng người dân tại tòa nhà Keangnam vẫn được xem là may mắn vì cuối cùng tiền đã về tài khoản. Trong khi đó, có chủ đầu tư thẳng thừng tuyên bố đã tiêu hết quỹ bảo trì.
Cụ thể, đại diện Ban quản trị chung cư Thăng Long Garden (250 Minh Khai, Hà Nội) cho biết, Ban quản trị thành lập từ tháng 8-2016 và đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư bàn giao 20 tỷ đồng quỹ bảo trì nhưng chủ đầu tư không hợp tác. Đầu tháng 6 vừa qua, chủ đầu tư cho biết, do làm ăn thua lỗ nên đã tiêu hết tiền quỹ bảo trì. Chủ đầu tư đề xuất giao mặt bằng tầng 1 để cho thuê nhằm khấu trừ vào tiền quỹ bảo trì.
Ngoài các vụ việc nêu trên, thực tế trên địa bàn Hà Nội cũng ghi nhận hàng loạt các vụ tranh chấp quỹ bảo trì khác. Ví dụ như tại chung cư Hồ Gươm Plaza (Hà Đông), chung cư Sky City (đường Láng Hạ), tòa nhà BMM (Hà Đông)…
Địa phương có trách nhiệm cưỡng chế
Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh cho biết, những tranh chấp ở chung cư chủ yếu xảy ra tại các dự án được đầu tư xây dựng từ những năm 2010-2011. Nguyên nhân là tại thời điểm đó, Luật Nhà ở, quy định quản lý chung cư đang trong quá trình hoàn thiện, trong hợp đồng chưa quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của các chủ thể. Nhiều khách hàng chưa quan tâm đến quyền lợi của mình, chính quyền địa phương chưa sát sao vấn đề này.
Về hướng xử lý, trong Luật Nhà ở 2014, Nghị định 199 về quản lý nhà chung cư đã quy định rõ về phí bảo trì. Cụ thể, UBND các tỉnh, thành phố được cưỡng chế các chủ đầu tư nếu không bàn giao quỹ bảo trì 2% theo đúng quy định.
“Bộ Xây dựng liên tục có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chấn chỉnh việc quản lý, vận hành nhà chung cư. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu tất cả các tỉnh, thành phố có phát sinh tranh chấp cần báo cáo để kịp thời xử lý”, ông Nguyễn Trọng Ninh chia sẻ.
Được biết, theo quy định mới nhất của Luật Nhà ở, trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày Ban quản trị nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí bảo trì bao gồm cả Lãi suất tiền gửi cho Ban quản trị để thực hiện quản lý, sử dụng và có thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh biết. Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí này thì Ban quản trị nhà chung cư có quyền yêu cầu UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư thực hiện cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải thực hiện bàn giao theo quy định của Chính phủ.
ANTĐ
Nguồn Cafeland.vn